Thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2015. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Thông tin về kết quả kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm học 2015 và kết quả đàm phán song phương giữa Việt Nam với các đối tác của EU và các đối tác của Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những nội dung chính tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố, cơ quan và đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 9/2015.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước. Ông Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm học 2015 và kết quả bước đầu công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học năm học 2015-2016; những vấn đề đặt ra cần rút kinh nghiệm, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh nhấn mạnh khi tuyên truyền về Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học và cao đẳng năm học 2015-2016, cần đánh giá một cách khách quan, công bằng và toàn diện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, tổ chức tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Theo ông Mai Văn Ninh, chủ trương ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là một chủ trương đúng đắn, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra: giảm bớt được một kỳ thi, đề thi có sự đổi mới, có độ phân hóa cao; điểm của kỳ thi được đánh giá là chính xác trình độ của học sinh, tạo cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Bộ Giáo dục-Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế bất cập của đợt xét tuyển đợt 1, tạo điều kiện cho học sinh chọn trường, chọn ngành nghề học tập, khắc phục tình trạng học sinh có điểm cao vẫn trượt đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lường hết được những khó khăn, phức tạp của kỳ thi 2 trong 1; chưa thực hiện được mục tiêu giảm bớt áp lực học sinh về thi cử, chưa giảm được chi phí xã hội cho kỳ thi. Trong công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục- Đào tạo còn bị động, chưa có giải pháp thật sự hiệu quả.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để học sinh và toàn xã hội hiểu rõ về phương hướng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới, góp phần tạo sự chuyển biến tư duy về “học và thi,” xóa bỏ tình trạng “dạy thêm, học thêm.”
Đồng thời, cần thực hiện tốt chủ trương định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh và phụ huynh học sinh lựa chọn vào các trường đại học, cao đẳng theo hướng “một ngành - nhiều trường” thay cho “một trường - nhiều ngành,” giúp học sinh chọn lựa được ngành nghề mình yêu thích.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở vật chất, tinh thần cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; duy trì và tổ chức các hoạt động tiếp sức mùa thi để kỳ thi trong các năm sau thành công hơn.
Ngoài ra, cần biểu dương các điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục, các thủ khoa xuất sắc tiêu biểu, nhất là các em học sinh nông thôn ở vùng sâu, vùng xa trong phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy.
Các cơ quan báo chí tiếp tục mở chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia nói riêng, để góp phần giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm ra được phương án và giải pháp khả thi nhất.
Về kết quả đàm phán song phương giữa Việt Nam với các đối tác của EU và các đối tác của Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh lưu ý cần khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tăng cường mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các nước lớn.
Những năm gần đây, Việt Nam liên tục tham gia các cuộc tọa đàm phán song phương, đa phương đối với các đối tác thương mại và đầu tư trong một loạt các hiệp định thương mại tự do FTA.
Công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế và tự do thương mại FTA cần góp phần khắc phục tư tưởng chỉ thấy khó khăn, dẫn tới e ngại để mất cơ hội hợp tác, hoặc quá lạc quan chỉ nhìn thấy thuận lợi dẫn tới những hậu quả khôn lường trong quá trình mở rộng về hợp tác quốc tế.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên chú trọng tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đội ngũ báo cáo viên cần chú trọng tới việc đánh giá thành công của đại hội về các mặt: chuẩn bị dự thảo văn kiện, việc thảo luận, tranh luận góp ý, bổ sung các dự thảo văn kiện cấp minh và dự thảo văn kiện của cấp ủy cấp trên, công tác nhân sự, xây dựng nghị quyết đại hội./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]