Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 môn ngữ văn tại hội thảo"đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông" diễn ra ngày 10/4.
Chốt cho thi tốt nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã “thống nhất” với các đại diện của các Sở GD-ĐT trong cả nước một số nội dung cụ thể liên quan đến đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Ông Hiển cho biết “Sẽ không nói chuyện cấu trúc đề thi nữa. Không chấp nhận việc giáo viên đòi cấu trúc mà không biết ma trận đề là gì”.
Về hình thức đề thi, theo ông Hiển sẽ có phần đọc hiểu và phần viết, để đánh giá năng lực tổng hợp, kiến thức kỹ năng, cách sử dụng kiến thức kỹ năng trong cuộc sống của học sinh.
“Đề thi có 2 hay 3 câu hỏi không quan trọng. Nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học có thể là hai câu riêng, nhưng cũng có thể là một câu, miễn là đáp ứng với ma trận đề. Phần ngữ liệu đọc hiểu không lấy trong sách giáo khoa.
Phần ngữ liệu này sẽ vừa với học sinh: dài vừa phải, số lượng câu phức và câu đơn hợp lý, không có nhiều từ địa phương để học sinh cả nước đều có thể hiểu văn bản, cân đối giữa nghĩa đen và nghĩa bóng…
Với phần viết là câu hỏi mở, nhưng có chuẩn. Khó nhất là tư tưởng, đạo đức đến mức độ nào, còn thì vẫn có chân giá trị, giá trị sống để làm chuẩn” – đây là những thông tin về đề thi mà ông Hiển công bố.
Cũng theo ông Hiển, bài văn có hai giá trị: Giá trị thông điệp – nói thế nào để người khác hiểu được, và giá trị thứ hai là sự trong sáng của tiếng Việt - dấy chấm phẩy, câu cú, từ ngữ… Sau đó mới là cảm xúc, sự sáng tạo.
Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển ví von “Qua sông thì phải luỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan”.
“Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” – ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn.
Chiêu luyện cho học sinh
Trước những băn khoăn của giáo viên văn cả nước vè việc ôn tập cho học sinh theo hướng ra đề mới, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, đã gợi ý giáo viên tập trung vào một số nội dung.
Về năng lực tiếp nhận văn bản - phần Đọc hiểu, theo ông Thống, thứ nhất là phải ôn cho học sinh thế nào là đọc hiểu văn bản: Nội dung chính, thông tin quan trọng, ý nghĩa của văn bản. Thứ hai là phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ… Ví dụ như hỏi một từ trong đoạn văn đó có ý nghĩa gì cũng là một cách kiểm tra đọc hiểu.
Thứ ba là nhận ra và thấy tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản, không chỉ là các biện pháp tu từ. Học sinh không chỉ phát hiện ra mà còn thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật, cao hơn là nêu được ý nghĩa giá trị của văn bản đó chứ không chỉ nội dung chính.
Tiếp theo là ôn cho học sinh về kỹ năng đọc hiểu: Cách hiểu có đúng không, phương pháp hiểu văn bản. Và hướng học sinh tới cảm xúc, cảm tưởng sau đọc hiểu văn bản. Về phần tạo lập văn bản – phần Viết, ông Thống cho biết giáo viên cần chú ý ôn luyện cho học sinh trước hết phải có tri thức về văn bản - kiểu đoạn, cấu trúc, quá trình nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề bài.
Trang bị cho các em khả năng viết các loại văn bản phù hợp với đối tượng, tình huống giao tiếp. Viết để làm gì, viết cái gì, viết như thế nào. Ông Thống nhấn mạnh: “Cho dù đề thi mở, khuyến khích sáng tạo nhưng vẫn có những nguyên tắc, quy chuẩn của văn chương trường ốc, có căn cốt của kỹ năng cơ bản. Không có đề mở nào mà đến mức độ viết lung tung được. Đề mở, nhưng là mở phù hợp với trình độ học sinh”.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]