Chiều ngày 14/7, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến cho hay, Cục Thuế Hà Nội đã thu nợ được 6.385 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, thu nợ thuế, phí là 4.664 tỷ đồng, những khoản liên quan tới đất là 1.721 tỷ đồng.
Đối với việc nợ thuế, theo ông Thái Tiến Dũng, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp tại địa bàn TP. Hà Nội còn nợ tiền thuế và phí 9.600 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái và nợ tiền sử dụng đất 7.400 tỷ đồng. Trong số đó, nợ khó thu tăng 4%; nợ chờ điều chỉnh tăng gấp 10 lần; nợ có khả năng thu giảm 2%.
Riêng nợ thuế của những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã chiếm tới trên 40%. Tổng số nợ của những đơn vị này rất lớn và kéo dài qua nhiều năm không nộp được. Ông Tiến nêu ví dụ các đơn vị nợ tiền sử dụng đất “khủng” như: Khu tổ hợp chung cư cao tầng, biệt thự ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu với số tiền nợ hơn 322 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà Thăng Long với số tiền thuế đã lên đến hơn 375 tỷ đồng.
Vì vậy, Cục thuế Hà Nội thời gian qua đã buộc phải công khai danh sách những doanh nghiệp nợ thuế cũng như những dự án BĐS trên địa bàn đang nợ thuế sử dụng đất. Ông Tiến cho biết, sau khi đăng tải công khai danh sách những đơn vị nợ thuế thì đã có sự chuyển biến tích cực hơn khi một số dự án, doanh nghiệp đã đóng hết số tiền nợ. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp gửi số điện thoại liên hệ hoặc văn bản để làm việc.
Lãnh đạo Cục thuế Hà Nội đã khuyên người dân không nên mua nhà ở tại các dự án nợ tiền sử dụng đất. Ảnh: Minh Thư
Phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo Cục thuế Hà Nội, liệu việc đăng tải công khai danh tính những doanh nghiệp nợ thuế lớn liệu có ảnh hưởng không tốt tới thị trường BĐS tại Hà Nội và sẽ khiến doanh nghiệp “ngại”, uy tín bị ảnh hưởng?
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội trả lời, việc công khai danh tính và ảnh hưởng tới doanh nghiệp là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thực tế, các doanh nghiệp có quyền lợi là đã được Nhà nước giao đất để triển khai dự án, xây dựng dự án nhằm thu về lợi nhuận. Vì vậy, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Khi xây dựng dự án, doanh nghiệp phải bảo đảm đủ năng lực về tài chính để đóng thuế và hoàn thành dự án.
Ngoài ra, đại diện Cục thuế Hà Nội còn khuyến cáo rằng, khi chủ dự án nợ thuế sử dụng đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khách hàng, đặc biệt là khi làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khuyên, người dân không nên mua nhà ở của những doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất.
Từ nay tới cuối năm, Cục thuế Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát và công khai dần những doanh nghiệp nợ thuế, đặc biệt là những đơn vị cố tình chây ì.
Ông Thái Dũng Tiến cho hay, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt công tác cưỡng chế thu nợ thuế. Riêng đối với các trường hợp nợ thuế xử lý sau thanh tra, kiểm toán, kiểm tra; các đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền luận chuyển, có doanh thu bán hành nhưng vẫn nợ tiền thuế; những dự án được gia hạn nhưng quá hạn vẫn chưa đóng tiền sử dụng đất; những dự án đã bán hàng, thu được tiền nhưng vẫn nợ thuế sử dụng đất thì cơ quan thuế kiến quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.
Về các dự án chậm tiến độ kéo dài, không đưa ra được lý do chính đáng, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhưng vẫn không thu được nợ tiền sử dụng đất sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét chỉ đạo liên ngành thành phố và các huyện, quận kiểm tra, đề xuất việc thu hồi dự án theo đúng quy định của Luật.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]