“Là cha mẹ!” – tôi nghĩ trong đầu như vậy khi ngồi dưới hàng ghế các phụ huynh tham dự.
Câu trả lời của bà giáo sư khác hẳn. “Chính là những anh chị lớn hơn chúng một vài tuổi!” Đây là một trong những lý do mà ở Mỹ, có rất nhiều trung tâm Day care center – có nhiều trò chơi và sách – để bố mẹ đưa con mình đến chơi với các bạn nhỏ khác. “Đó là môi trường học tập tốt nhất cho trẻ!” – bà giáo sư nói.
Chiếc kẹo ngọt cắn đôi
Con gái nhỏ 3 tuổi của tôi thường xuyên chơi cùng cậu anh họ 3 tuổi rưỡi. Chưa bao giờ tôi và gia đình anh tôi phải nói một lời với con về tình yêu thương hay chia sẻ.
Nhưng những câu nói hàng ngày chúng tôi được nghe là:
- (Khi đi chơi với mẹ) Mẹ ơi, mẹ và con đi chơi mua quà gì về cho anh Men?
- (Trên đường đi chơi về) Mẹ ơi, mẹ quên à, sao mẹ vẫn chưa mua quà cho anh?
- (Khi đi ngoài đường trời mưa) Mẹ ơi, mưa thế này anh Men có mang áo mưa không?
- (Khi đã về đến nhà sau khi đi trên đường trời mưa) Mẹ ơi, con phải vào nhà nhanh xem anh Men có bị ướt không?
- (Khi ở hiệu sách) Mẹ ơi, mua cho con một cuốn, mua cho anh Men một cuốn!
- (Khi ở siêu thị) Mẹ ơi, mua con chai nước xanh, mua anh Men chai nước đỏ nhé!
Dạo này, nàng về quê một tháng, còn anh nàng vẫn ở Hà Nội đi học. Những câu mà tôi thường xuyên nghe qua điện thoại là:
- Mẹ ơi, con đi siêu thị với ông bà, con mua nhiều bánh kẹo lắm, con gửi ra cho anh Men nhé!
- Mẹ ơi, con mua quà cho anh Men!
- Mẹ ơi, con có đồ chơi mới, anh Men một cái, con một cái.
- (Sau nhiều ngày tháng thương nhớ, nàng nói:) Mẹ ơi, gửi anh Men về đây chơi với con!
Hôm trước, bà gọi điện ra, kể rằng con gái được cho 2 cái kẹo rất ngon. Con ăn một cái, để dành một cái nhờ bà giữ. Con nói: “Kẹo này con cất cho anh Men!”
Ai dạy con bài học phần kẹo ngọt ngào đó, ngoại trừ việc hai anh em được ở bên nhau, chơi cùng nhau?
Bản năng “đàn ông”
Hai anh em cùng học một lớp mẫu giáo. Khi tôi và chị dâu đến đón hai đứa ở lớp, cô giáo nói một câu mà chúng tôi nhớ mãi: “Nhìn hai anh em biết ngay gia đình tình cảm như thế nào!”
Câu chuyện cô giáo kể khiến hai bà mẹ rất cảm động: Cậu anh trai luôn chạy lại lấy đồ ăn cho em, giúp em đưa ghế vào chỗ cất, mách cô giáo mỗi khi em bị bắt nạt, thậm chí lấy bô cho em mỗi lần em đi vệ sinh.
Thật là một hình ảnh trái ngược khi ở nhà, hai anh em suốt ngày chạnh chọe, la hét, thậm chí đánh nhau. Rời lớp học về, tôi nghĩ về bản năng làm anh, về yêu thương, về tình ruột thịt, thật mạnh mẽ và không cần dạy bảo. Sau này, chính con gái 3 tuổi của tôi đúc kết một câu xanh rờn: Ở nhà anh đánh con, lên lớp anh bảo vệ con!
Những ngày đầu tiên khi con gái chuyển qua trường công, cậu anh trai về nhà kể chuyện em bị bạn đánh và anh đã “ra tay” giữ tay bạn kia lại như thế nào. Nét mắt và điệu bộ mô tả của con chẳng khác nào một người hùng cứu mỹ nhân!
Thế mà, đến lúc em về quê, anh đi học một mình, cậu anh trở về nhà với một vết cắn sâu trên lưng. Cả nhà không thể hiểu nổi tại sao cậu anh lại ngồi im yên lặng để bạn cắn như thế.
Cô giáo cũng bất ngờ: Lúc em chưa về quê, 2 anh em đi học thì mỗi lần các bạn bắt nạt em một tí là anh phóng vút lên gọi cô giáo mách. Thế mà, không có em thì anh “lơ ngơ” để bị cắn như vậy!
Nghe chuyện, tôi bảo: “Anh Men chỉ làm “người hùng” của em Xu thôi!”
Thế mới thấy, một cô em gái nhỏ bé, cần được chở che đã khơi dậy sức mạnh và “bản lĩnh đàn ông” của cậu anh trai như thế nào, cho dù cả hai còn thơm mùi sữa, thò lò mũi xanh, hơi tí là chành chọe nhau!
Với tôi, hai câu chuyện nhỏ trên là lý do tuyệt vời nhất để người ta… sinh hai đứa con!
Và nếu không như vậy, hãy cho con chơi với thật nhiều anh chị em họ, các bạn hàng xóm, các bạn ở lớp để các con học được những điều không thầy cô, sách vở, giáo án nào có thể dạy được!
Theo Hằng Nguyễn - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]