Ảnh minh họa: Internet.
Chúng ta cứ ra rả “làm bạn cùng con”, là người bạn lớn cùng con, nhưng thực tế thì “còn lâu” mới được như câu khẩu hiệu.
Sự khác biệt giữa bạn thân và con
- Khi bạn thân gọi điện bảo rằng: tớ buồn quá, đi đâu chơi không? Bạn không ngần ngại trả lời: Ok chờ tớ 5 phút tớ qua liền.
Khi con mè nheo, nũng nịu đòi chơi cùng, bạn cáu kỉnh trả lời: Con không thấy mẹ đang bận sao? Sao con không chơi với chiếc ô tô ở đằng kia nhỉ?
- Khi bạn thân bị điểm kém, bạn tìm mọi cách để an ủi, để khích lệ, thậm chí đồng lõa trong các cuộc quay cóp. Ngược lại, cầm tờ kiểm tra điểm 1 của con, bạn thét vào mặt nó:" Thằng dốt này, mày học hành thế hả?"
- Khi bạn thân ngồi tâm sự cả nửa ngày về những chuyện trên trời dưới đất, bạn vẫn cứ tươi cười vui vẻ thậm chí lưu luyến chẳng muốn về, chỉ muốn ngủ lại nhà bạn để 2 đứa có thể tâm sự thâu đêm...
Khi con suốt ngày lẽo đẽo theo sau để thắc mắc vì sao bóng điện lại sáng, vì sao con thằn lằn bị đứt đuôi , cái đuôi nó vẫn ngoe nguẩy được... và họ thở dài:" Ôi sao con nói lắm thế? Con để mẹ yên tĩnh 5p có được không?"
- Khi bạn thân bôi bánh kem lên mặt bạn và nhảy nhót tưng bừng trong bữa tiệc sinh nhật, bạn rất vui vẻ và chả ngại gì dọn dẹp bãi chiến trường sau bữa tiệc.
Khi con bạn bôi bánh kem và nhảy nhót trong bữa tiệc sinh nhật của chúng, bạn sẽ phát điên lên với sàn nhà dính bết, bát đĩa vỡ, đồ ăn tung tóe , áo quần bẩn thỉu của con.
Rõ rồi, chúng ta không đối xử với con mình như – một – người –bạn –thân nhưng chúng ta lại luôn mong muốn con nói cho mình biết chúng muốn gì, nghĩ gì. Xin lỗi, chúng sẽ không nói với bố mẹ đâu! Chúng sẽ nói với người – bạn – thân - nhất của chúng.
Trở thành bạn thân của con
Từ khi tôi mang thai, mối quan hệ mẹ - con đã hình thành và được thế giới công nhận. Thế thì có lý do gì tôi phải thị uy với con, cố gắng tỏ ra mình là mẹ nó, nó phải nghe lời mình chứ không bao giờ có điều ngược lại? Điều tôi cần làm là đối xử với con theo cách tôi đã đối xử với người bạn thân của tôi.
Tôi sẽ phải lắng nghe nhiều hơn là nói. Lắng nghe tiếng khóc của con, tiếng bập bẹ của con, những câu ngắn rồi những câu dài. Tôi phải nghe thật kĩ, không bỏ sót từ nào, sẽ không bao giờ quay mặt đi khi con tôi chạy đến và líu lo cả ngày những câu từ ngọng nghịu.
Tôi sẽ phải tranh thủ từng phút rảnh rỗi để ngồi cùng con, dạy con biết cách bày tỏ những suy nghĩ, ước muốn ngay từ khi còn bé. Có thể đôi mắt tôi đã díu vào vì buồn ngủ, lưng tôi đã rã rời vì chậu quần áo khổng lồ, nhưng tôi sẽ không từ chối ước muốn được cưỡi lên lưng bò mẹ của con tôi, hoặc ngồi đọc đi đọc lại 15 lần bài thơ Củ cà rốt trước khi con đi ngủ.
Tôi sẽ cùng con chơi những trò chơi mà mọi người cho là chán ngắt. Tôi sẽ cùng con bới móc cái lỗ ở sân cho sùi hết đất đá lên; cùng con múc nước từ chậu to đổ ra chậu bé, rồi từ chậu bé đổ... ra sân; bẻ vụn bánh ra nhà rồi dùng chổi quét đi, lật ngửa chiếc ô tô đồ chơi lên và cứ thế xoay cái bánh xe rồi cười nắc nẻ...
Tôi muốn sau này con tôn trọng tôi bao nhiêu thì bây giờ tôi phải tôn trọng nó bấy nhiêu. Nó có sở thích của riêng nó, có thể là những sở thích vô cùng quái dị , khác người và khó chấp nhận. Nhưng tôi sẽ chấp nhận.
Khi con phạm sai lầm, tôi sẽ phải an ủi động viên, sẽ phải ở bên con cho đến khi nào con thật sự cảm thấy khá hơn.
Hơn hết, tôi sẽ phải đặt nơi con một thứ vô cùng quan trọng: niềm tin!
Và tôi có một người bạn thân đặc biệt, tôi là cả thế giới đối với bạn ấy: Con tôi!
Theo Mẹ Cỏ Thiên Đường - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]