Ảnh minh họa
Ngưởi ta thường chỉ nhìn thấy những biểu hiện bên ngoài của lời nói, hành vi để đánh giá là hư. Nhưng có ai để ý rằng: Phía sau một đứa trẻ hư là cả một thế giới bất ổn bao quanh.
Gần nhà tôi có một cô bé “hư” đúng nghĩa như thế. Chỉ mới là học sinh lớp 8 của một trường trung học ở thành phố nhưng cô bé đã có bề dày “thành tích” vi phạm nội qui trường lớp và bố mẹ bị mời họp phụ huynh vẫn như “cơm bữa”.
Đến lớp chỉ để có mặt, những con chữ hoàn toàn chẳng có sức hấp dẫn gì nữa. Cô bé ấy thường xuyên cãi lời cô giáo; đã trải qua tới hai cuộc tình... Đến khi mọi lời nói, đòn roi của bố mẹ đều như nước đổ lá khoai, chẳng thay đổi được điều gì thì chính bố mẹ khẳng định: “Nó hư!”.
Nhìn vào những gì diễn ra trước mắt, rất nhiều người trách cứ cô bé ấy hư. Bố mẹ cô bé luôn ca thán sao con mình hư thế mà con người ta xung quanh lại ngoan vậy. Nhưng “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, một đứa trẻ hư có một phần lỗi không hề nhỏ của gia đình, trường học và cả xã hội.
Cô bé ấy đã lớn lên với đòn roi trong một gia đình khá là lộn xộn. Một người bố suốt ngày “nghiên cứu” đề đóm, say sưa với các trận bóng và miệt mài bên bàn nhậu. Một người mẹ thờ ơ với việc học, việc chơi của con thì làm sao có đủ sự quan tâm dành cho lứa tuổi vị thành niên với nhiều biến động phức tạp. Nói họ không chu toàn trách nhiệm làm bố làm mẹ thì không phải, vì con họ vẫn được ăn ngon, mặc đẹp. Nói họ không nghiêm khắc dạy con thì cũng không phải vì khi con phạm lỗi vẫn bị đòn roi.
Nhưng bố mẹ ấy đã sai trong cách yêu thương con và giáo dục con. Cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ mà không chăm lo bồi đắp tình cảm gia đình, uốn nắn nhân cách, đạo đức. Dạy con bằng đòn roi không hề đem lại hiệu quả tích cực. Một cô bé sớm bị bố mẹ đánh mắng từ nhỏ sẽ dần quen đòn, lì đòn và vô cảm trước roi vọt. Không chỉ là đòn roi, gia đình ấy còn áp dụng hình thức phạt quì trước cửa nhà để cô bé xấu hổ với mọi người. Và gần đây nhất là dùng keo dính trói chân tay đến bầm tím.
Cô bé có khóc không? Có. Có sợ và ngoan hơn không? Không. Gia đình đã hoàn toàn sai lầm khi dùng hình thức giáo dục sai lệch để uốn nắn một đứa trẻ đang ở tuổi thích khẳng định cái tôi và có chiều hướng nổi loạn.
Qua những mẩu chuyện ngắn cô bé kể về nhà trường được ráp nối lại, tôi có thể hình dung một môi trường học đường chẳng hề thú vị gì với cháu. Có thầy cô cãi nhau trước mặt học trò, bênh vực bạn này, xử ép bạn kia. Nhiều học sinh chẳng lo học, chỉ chực chờ quay cóp. Gây gổ đánh nhau giữa học sinh là chuyện vẫn thường xảy ra… Dưới cái nhìn vốn có phần lệch lạc của cháu, những câu chuyện chắc chắn được thêu dệt thêm để biện minh cho sự lười học. Nhưng “không có lửa làm sao có khói”, chỉ một phần trăm sự thật thôi cũng đã góp phần tạo ra những đứa trẻ hư.
Rồi những tác động tiêu cực từ xã hội liên tiếp dội vào dễ khiến con trẻ lầm đường. Càng cô đơn trong cuộc sống thực, các cháu càng tìm nơi giải tỏa, chỗ thể hiện và các trang mạng xã hội là nơi lí tưởng cho những trái tim đang bị tổn thương vì gia đình và chán chường với trường học ấy.
Mạng xã hội thì ảo nhưng ảnh hưởng đến con người là thật. Hàng tỉ điều tốt xấu lẫn lộn được đưa lên mạng. Học cái hay thì ít mà con trẻ rất dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu. Thiếu sự quan tâm, định hướng và uốn nắn, các cháu rất dễ lầm tưởng những lời nói ngông cuồng, hành động bạo lực là sự thể hiện sức mạnh, cá tính. Và a dua, học đòi là lẽ tất nhiên.
Hạnh phúc của người làm bố mẹ là có những đứa con ngoan. May mắn của thầy cô là có những học trò giỏi. Nhưng nếu gặp một đứa trẻ hư, xin hãy nhìn lại cách giáo dục của mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]