Bố mẹ đều biết rằng nói chuyện với em bé trong bụng sẽ giúp bé cảm nhận được tình yêu thương và phát triển trí tuệ của con, nhưng cụ thể là chúng ta nên nói những chuyện gì với bé?
Dưới đây là những gợi ý của nhà giáo dục Nhật nổi tiếng Shichida Makoto và bác sĩ Sakamoto Seiichi, nguyên chủ tịch hội bác sĩ sản khoa Nhật Bản về cách bố mẹ trò chuyện với em bé trong bụng.
Bắt đầu nói chuyện với con từ lúc nào?
Từ tuần thứ 20 trở đi thính giác của thai nhi đã phát triển, em bé đã có thể nghe được âm thanh bên ngoài nên cha mẹ hãy tích cực trò chuyện với con mình.
Nói “mẹ yêu con” và những câu chuyện thường ngày
Mỗi ngày mẹ hãy thường xuyên nói với bé rằng “mẹ yêu bé”, thường xuyên hỏi han xem bé có khỏe hay không, những lời động viên mong bé sẽ sinh ra thật khỏe mạnh… Mẹ cũng có thể kể cho con nghe những việc hàng ngày mẹ làm, thời tiết hôm nay ra sao… Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại có hiệu quả rất tuyệt vời vì nó giúp bé sinh ra khỏe mạnh, giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đồng thời nó còn giúp tinh thần người mẹ trở nên thoải mái, giảm bớt lo lắng.
Bé yêu giọng nói của bố
Các em bé sẽ nghe được âm thanh nói chuyện bình thường ở khoảng 200~1000Hz sẽ ở cường độ âm trầm 30-40 dB. Sóng có tần số thấp thì sẽ dễ dàng truyền trong nước ối hơn sóng tần số cao. Đó là lí do em bé sẽ thích nghe giọng nói nhẹ nhàng, âm trầm và không thích tiếng cãi nhau là vậy. Nếu so sánh tần số sóng âm của nam và nữ thì sóng âm của nam trầm hơn của nữ, do đó các em bé thích nghe giọng của bố hơn mẹ, đồng thời thích nghe nhạc cổ điển cũng là vì lí do đó.
Các ông bố hãy tích cực nói chuyện với bé như xoa bụng bé và trò chuyện như hỏi han xem bé có khỏe không, thường xuyên nói với bé là bố rất là yêu bé, chào hỏi bé khi đi làm và đi về nhà… Ngoài ra các ông bố ở Nhật còn rất tích cực đọc ehon, đọc truyện thiếu nhi cho bé trong bụng nghe trước giờ đi ngủ hoặc là vào thời gian rảnh rỗi. Điều này sẽ khiến em bé trong bụng sẽ dần quen với giọng của bố, yêu bố hơn và thích nghe đọc truyện sau khi ra đời.
Bài tập thư giãn và trò chuyện của chuyên gia giáo dục sớm Shichida
Trong cuốn sách “Thai giáo” của mình, tác giả Shichida Makoto đã giới thiệu bài tập mẹ và bé trò chuyện cùng nhau để giúp truyền tải tình cảm và suy nghĩ của mẹ dành cho bé thông qua phương pháp ám thị kết hợp với hít thở như sau:
- Mỗi ngày hãy dành 10-15 phút buổi sáng và tối để trạng thái tinh thần thoải mái nhất và tập trung nói chuyện với em bé trong bụng.
- Ngồi ở tư thế giống như ngồi thiền, khoanh hai chân lại, buông lỏng hai vai và đặt tay vào bụng để cảm nhận em bé hoặc là đặt tay lên đùi lòng bàn tay ngửa.
- Tiếp đến, nhắm mắt lại tưởng tưởng mình đang đưa ý thức lên trên đỉnh đầu và giữ tâm trạng bình ổn, thoải mái. Sau đó, tưởng tượng đến vùng mắt, mũi và miệng để loại bỏ hết căng thẳng rồi từ từ hít thở đều đều.
- Hãy tự nói với bản thân mình rằng tâm trạng của mình lúc này rất thoải mái, rồi dần dần trong suy nghĩ hãy liên tưởng đến hình ảnh em bé trong bụng. Hãy nhắn nhủ với bé những điều bạn suy nghĩ như “mẹ rất vui vì có con xuất hiện trên đời, bố mẹ rất yêu con”, hay là “con của mẹ hãy sinh ra thật khỏe mạnh nhé”, hoặc nhắn nhủ bất kỳ điều gì bạn mong muốn ở bé.
Bé có thể nhớ những gì bố mẹ kể
Rất nhiều các em bé Nhật khi được hỏi lại kí ức trong bụng mẹ đã nhớ lại được rằng trong bụng mẹ rất tối, đầy nước nhưng rất ấm áp. Có em khi được mẹ đọc lại cho nghe những cuốn truyện ehon khi còn mang thai, hoặc được dẫn đến những nơi mà hồi mang thai mẹ hay đi chơi đều nói rằng con đã nghe truyện này khi còn trong bụng mẹ đấy, hoặc con đã từng nhìn thấy cảnh này rồi…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]