Có những cách để nuôi con hạnh phúc được đúc rút từ các nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa: Internet.
Nói đùa với con
Theo nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Festival of Social Science 2011, nói đùa với trẻ mới biết đi sẽ làm chúng tăng khả năng có được thành công xã hội. Khi cha mẹ nói đùa và chơi trò giả vờ, trẻ sẽ phát triển tư duy sáng tạo, có thêm nhiều bạn bè và có thể kiểm soát trạng thái căng thẳng. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian để mang đến cho con những tiếng cười bây giờ và cả mai sau.
Sống lạc quan
Những bậc cha mẹ thể hiện cảm xúc tiêu cực đối với trẻ sơ sinh hoặc thấy khó khăn trong cuộc sống sẽ thấy con mình trở nên hung hăng khi đến tuổi mẫu giáo. Không chỉ có vậy, thái độ hung hăng khi con mới 5 tuổi có liên quan đến thái độ hung hăng, thích gây hấn ở tương lai. Thậm chí, con còn có thể bộc lộ nét tính cách này với người bạn đời về sau.
Do đó, nếu bạn thấy mình đang ở trong một vòng luẩn quẩn: la hét con, con quấy khóc, rồi bạn lại càng thấy tức giận hơn, hãy cố xoa dịu tâm trạng. Tìm lại niềm vui trong cuộc sống, điều đó sẽ làm giảm bớt các vấn đề của bạn trong thời gian dài.
Ảnh minh họa: Internet.
Ngoài ra, cần có lòng nhân ái, đồng cảm với nỗi đau của người khác cũng như nhận biết sự đau khổ của chính mình. Cha mẹ cần từ bi với bản thân khi gặp phải những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ. Bằng cách đó, họ có thể làm gương cho con cái.
Để con tự do
Khi con đã đến tuổi trưởng thành và muốn tự do khám phá những chân trời mới, hãy để con đi. Đó là điều tốt nhất bạn có thể làm được. Nghiên cứu cho thấy những sinh viên năm nhất đại học bị bố mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống sẽ cảm thấy căng thẳng, e dè, không tự nhiên và không sẵn sàng đón nhận thách thức như những bạn bè đồng trang lứa.
Điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn không quan tâm và bỏ rơi con. Tuy nhiên, nếu bạn định đến gặp thầy cô của con mình và tranh luận về điểm số của chúng, có lẽ đã đến lúc nên dừng lại.
Cho con một gia đình hạnh phúc
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Child Development vào năm 2011, việc cha mẹ có cuộc hôn nhân bất ổn hay dự tính ly hôn sẽ làm đứa con mới chào đời gặp phải những vấn đề về giấc ngủ ở tương lai sau này.
Cụ thể, một cuộc hôn nhân có vấn đề khi con mới 9 tháng tuổi sẽ khiến con khó ngủ khi được 18 tháng tuổi. Điều này có thể là do khi bố mẹ không hòa thuận, không khí trong gia đình rất căng thẳng hoặc thường xuyên có những cuộc cãi vã, khiến trẻ không thể ngon giấc.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần
Nếu bạn nghi ngờ mình bị trầm cảm, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, vì bạn và vì con. Nghiên cứu cho thấy những người mẹ bị trầm cảm khó có thể chăm con tốt, thậm chí còn giữ im lặng khi con khóc. Theo nghiên cứu năm 2011, những bà mẹ trầm cảm không có phương pháp nuôi dạy con hiệu quả sẽ khiến trẻ thêm căng thẳng khi đến tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng những bậc cha mẹ có vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn có thể tìm được phương pháp nuôi dạy con hợp lý.
Ảnh minh họa: Internet.
Nghiên cứu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có “sợi dây kết nối vững chắc” giữa cha mẹ và con. Như vậy, cha mẹ sẽ trở thành điểm tựa an toàn trước khi con bước ra thế giới rộng lớn hơn.
Theo một nghiên cứu khác cũng vào năm 2010, nếu trẻ vị thành niên có mối quan hệ gắn bó với mẹ, sau này đứa trẻ sẽ gặp thuận lợi hơn trong chuyện tình cảm. "Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái cực kỳ quan trọng và đó là cách chúng ta tăng khả năng có được mối quan hệ thành công khi trưởng thành.
Cha mẹ chính là hình mẫu của chúng ta", nhà nghiên cứu Constance Gager thuộc Đại học bang Montclair ở New Jersey (Mỹ) cho biết. "Vì vậy, nếu trẻ em không gần gũi với cha mẹ, có lẽ chúng sẽ không thể thấy được khía cạnh tích cực của mối quan hệ khi đến tuổi trưởng thành".
Để con tự chủ hơn
Cha mẹ thường cảm thấy rất bực tức khi con cãi lại mình, tuy nhiên, việc con bạn hay tranh cãi có liên quan tới khả năng thoát khỏi áp lực từ phía bạn bè. Nói cách khác, quyền tự chủ trong gia đình sẽ nuôi dưỡng tính tự chủ ngoài xã hội.
Điều này không có nghĩa là trẻ em nên có mối quan hệ thù địch với cha mẹ. Thực tế, mối quan hệ gắn bó giữa trẻ vị thành niên với mẹ sẽ giúp con không chịu khuất phục trước áp lực từ phía bạn bè. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ vị thành niên cần phải học cách đứng lên vì chính bản thân mình, nhưng chúng cũng cần sự hỗ trợ từ phía cha mẹ.
Đừng bắt ép bản thân thành người hoàn hảo
Không có ai hoàn hảo, vì vậy đừng tự tạo áp lực bắt ép bản thân mình thành một người cha, người mẹ hoàn hảo. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Personality and Individual Differences vào năm 2011, những người muốn làm cha mẹ hoản hảo thường cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin vào kỹ năng nuôi dạy con cái của mình. Hãy bỏ qua những áp lực không đáng có và bạn sẽ thấy thoải mái hơn.
Hiểu rõ con
Tất cả mọi người đều cho rằng họ biết cách tốt nhất để nuôi dạy một đứa trẻ. Tuy nhiên, kinh nghiệm làm cha mẹ của người này không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho người khác. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Abnormal Child Psychology vào năm 2011, những đứa trẻ có cha mẹ hiểu rõ tính cách mình giảm một nửa sự lo lắng và buồn rầu, chán nản so với những đứa trẻ có cha mẹ cứng nhắc.
Một số đứa trẻ, đặc biệt là những trẻ gặp rắc rối trong việc điều tiết cảm xúc có thể cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể vô tình làm hại đến những đứa trẻ có khả năng thích ứng cao khi can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Liliana Lengua thuộc Đại học Washington (Mỹ), chìa khóa giải quyết vấn đề chính là hiểu rõ những tín hiệu và ở bên cạnh hỗ trợ con.
Theo Ngọc Khanh - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]