1. Nói dối
Bạn đang đi với con và bị cảnh sát giao thông giữ lại vì vượt đèn đỏ. Để xin giảm bớt tội của mình, bạn lấy lí do phải vào bệnh viện gấp vì bé nhà bạn đang ốm nặng. Hiển nhiên, bé nhà bạn sẽ biết đó không phải sự thật và vô tình bạn đã dạy cho bé cách nói dối người khác. Bé sẽ có ý thức: Việc nói dối không có hại và không có vấn đề gì lớn khi bản thân mình nói dối.
2. Giữ bí mật với vợ
Bạn giấu vợ cho con đi ăn đồ fast food và thì thầm với con: "Mẹ không cần biết chúng ta đã lẻn ra ngoài để ăn chút khoai tây chiên, con nhé." Bạn có thể nghĩ sự lừa dối của mình là vô hại và thậm chí bạn còn nghĩ có 1 bí mật chỉ 2 cha con biết là sẽ tạo thêm sự gắn kết cha con. Tuy nhiên, thực tế, bạn đang chứng minh cho đứa trẻ rằng chuyện nói dối vợ mình là chấp nhận được và bạn đang làm giảm giá trị và vai trò của người mẹ.
3. Sỉ vả bạn đời trước mặt con
Gọi chồng hay vợ mình bằng những từ ngữ thô tục, khó nghe, nổi cơn điên và đe dọa bạn đời trước mặt con cái có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý trẻ. Khi chứng kiến điều này, trẻ có thể sống trong sợ hãi, trốn chạy hoặc tìm đến những cách đối phó nguy hiểm như uống rượu, dùng ma túy và nghĩ sẽ không có vấn đề gì nếu sau này chúng cũng đối xử với chồng/vợ mình như bố mẹ đã làm.
4. Mỉa mai, trêu chọc con trẻ
Các chuyên gia tâm lý đã khẳng định việc mỉa mai, trêu chọc tác động rất tiêu cực tới tinh thần của trẻ dù còn rất nhỏ. Trẻ từ ba tuổi đã bắt đầu ý thức được về giá trị bản thân. Khi bị người lớn trêu đùa kiểu cố tình hạ thấp, như: mặc áo xấu, ị thối, lớn còn bú mẹ... hoặc gán ghép trái ý muốn, trẻ đã cảm thấy mình không được tôn trọng ngay từ lúc này. Một số trẻ sẽ buồn rầu mà chui vào một góc để khóc, một số trẻ thì sẽ cãi lại để bảo vệ mình.
Những lúc đó, thường người lớn lại cố tình trêu tiếp, cố tình áp đặt ý kiến của mình khiến trẻ không thể tìm được lý lẽ để đối đáp lại. Các em lại càng có cảm giác ức chế và dễ có phản ứng quyết liệt bằng thái độ hoặc những câu nói mà người lớn cho là hỗn xược, vô lễ. Dù trẻ phản ứng như thế nào thì việc trêu đùa, mỉa mai trẻ cũng sẽ dẫn đến việc trẻ cảm thấy bất lực và tự ti.
5. Mất bình tĩnh
Khá nhiều cha mẹ không giữ được sự điềm tĩnh và ôn hòa khi giáo dục các bé. Nên nhớ, nếu bạn dễ nối đóa thì bé chỉ sợ bạn chứ không hề hình thành ý thức tự sửa lỗi. Một điều nữa bạn cần ghi nhớ đó là đừng trừng phạt bé khi bạn không kiềm chế được bản thân mà nên trao đổi tiếp với bé khi bạn bình tĩnh hơn.
6. Nói xấu về những giáo viên của mình trước đây
Bất chợt, bạn nhớ về một người thầy cô giáo trước đây của mình mà có một số tật xấu. Bạn kể ra với con và nghĩ rằng đó là điều vô hại. Tuy nhiên, những đứa trẻ sẽ cho rằng bố mẹ mình đang không tôn trọng những giáo viên cũ đó và có thể là với cả những giáo viên khác nữa. Đứa trẻ cũng sẽ hình thành thái độ không tôn trọng thầy cô giáo mình như bố mẹ chúng đã làm.
7. Nói xấu cha mẹ ruột của trẻ
Bất kể bạn nghĩ như thế nào về chồng/vợ trước của người bạn đời hiện tại, ngay cả khi dường như chính trẻ cũng không có mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ ruột, bạn cũng đừng bao giờ tỏ thái độ thiếu tôn trọng khi nhắc đến người kia trước mặt trẻ. Đây là nguyên tắc hàng đầu mà những người làm ba mẹ kế cần ghi nhớ. Cho dù trẻ có nói ghét ba mẹ của mình, bạn cũng nên hiểu rằng đó chỉ là vì trẻ bị tổn thương.
8. Đòi gì cho nấy
Không bao giờ nên để con muốn gì được nấy, dù chỉ là món đồ chơi ở siêu thị hay một đĩa game hoặc những thứ đồ mà bạn phải tốn cả tuần tiền lương mới sắm được. Đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ chỉ khiến chúng trở nên hư đốn.
Nhiều ông bố bà mẹ tin rằng từ chối yêu cầu của con sẽ khiến chúng tìm cách chống đối. Tuy nhiên, trẻ con cần nhận thức và có nhìn nhận thực tế về cách chúng có được điều mình muốn và giá trị của đồng tiền cũng như việc chăm chỉ lao động. Nếu bố mẹ luôn sẵn sàng mở ví mỗi lần con khóc lóc, rên rỉ thì chỉ chứng tỏ cho trẻ hiểu rằng tiền và vật chất quan trọng hơn tình cảm và những trải nghiệm ý nghĩa. Bọn trẻ cũng sẽ mặc nhiên nghĩ rằng, chúng không cần phải kiếm tiền hay lao động để có được thứ mình muốn.
9. Bạn dành nhiều thời gian với ipad
Nếu bạn cảm thấy là tốt khi con mình có thể sử dụng điện thoại di động vào tuổi lên 6 hoặc có thể chơi máy tính bảng thành thạo trước khi biết đi thì bạn hãy cứ "ôm" lấy chiếc ipad của mình cả ngày để bé có thể học theo.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn đứa trẻ dành những năm đầu đời của mình vào những cuốn sách hay những trò chơi trí tuệ như Lego, hay tham gia những hoạt động ngoài trời bổ ích, thì hãy giảm thời lượng bạn sử dụng những đồ chơi công nghệ trước khi bé có thể là một "bản sao" của bạn.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]