Ảnh minh họa: Internet
Hãy tưởng tượng: con bạn đang rất buồn vì làm mất con gấu bông ưa thích, hay làm hỏng con búp bê bạn mới mua cho. Bạn ngay lập tức can thiệp, dỗ dành để con ngưng khóc. Nhưng liệu những lời dỗ dành, an ủi của bạn có thực sự hữu ích?
Lần tới, khi bạn định an ủi hay dạy bảo con, hãy tránh nói với con những lời sau đây:
“Đừng lo lắng” hoặc “đừng khóc”
Khi nói những lời này, chúng ta thực sự mong muốn con cảm thấy khá hơn. Tuy nhiên, nói như vậy sẽ khiến con lầm tưởng bạn không cho rằng những cảm xúc đó quan trọng.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi, buồn bã và lo lắng. Chúng ta cần giúp con em mình vượt qua những cảm xúc tiêu cực chứ không phải tảng lờ và bỏ qua những cảm xúc này. Thay vì nói với con rằng: "Thật ngớ ngẩn khi tin rằng có quái vật ba mắt dưới gầm giường", hãy thừa nhận cảm xúc của con bạn, sau đó tìm cách để đối mặt với cảm xúc. Hãy hỏi con những câu hỏi như: "Con có thể làm gì để đỡ sợ nhỉ?” hoặc "Phải làm gì thì con mới bớt lo lắng?". Như vậy, con sẽ cảm thấy bạn coi trọng cảm xúc của chúng. Đồng thời, con sẽ hiểu rằng chúng có thể kiểm soát những cảm xúc tác động đến mình.
“Đừng xấu hổ”
Đã bao nhiêu lần bạn trò chuyện với một người quen ở công viên mà con cứ trốn sau lưng bạn? Đã bao nhiêu lần cô con gái ngày thường hoạt bát, lanh lợi của bạn im bặt khi người lớn hỏi chuyện? Trong những tình huống này, thông thường chúng ta đều nói với con là “đừng ngại, đừng xấu hổ”.
Chúng ta đang cố khuyến khích con tỏ ra lịch sự, nhưng lại quên mất rằng mọi đứa trẻ đều có tính cách khác nhau và không phải đứa trẻ nào cũng hòa đồng. Khi bố mẹ nói con mình "xấu hổ, nhút nhát", trẻ càng có xu hướng hành động nhút nhát hơn. Do đó, thay vì đột ngột bắt con hòa đồng, trước đó hãy giảng giải cho con về những điều nên làm khi gặp gỡ và cách chào hỏi mọi người. Bạn có thể biến bài học khô khan trở nên thú vị hơn bằng cách cùng con chơi đóng kịch. Thêm vào đó, khi cần tham dự một sự kiện, hãy đến sớm để con có thời gian thích nghi. Quan trọng nhất là đừng gây áp lực bắt con trò chuyện nếu con không muốn.
“Mẹ đã bảo rồi”
Bất kỳ người lớn nào cũng không thích nghe câu “Đã bảo rồi mà”, cả trẻ con cũng như vậy. Khi chúng ra nói những câu kiểu như: “Mẹ đã bảo mà, mang ô có phải tốt hơn không?”, chúng ta đang cố củng cố quan điểm bản thân hoặc dạy cho trẻ một bài học. Tuy nhiên, chưa chắc trẻ đã lắng nghe bài học của bạn, thậm chí những câu nói này còn làm hình thành ý thức phản kháng. Bạn biết đấy, đôi lúc tự mình trải nghiệm là cách học tốt nhất.
Theo Ngọc Khanh - Yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]