Chuẩn bị tâm lý cho bé giúp bé tự tin mạnh dạn
Điều này rất cần thiết đối với bé. Cũng giống như việc bạn cần chuẩn bị tài liệu trước khi thuyết trình về một kế hoạch kinh doanh, hay mỗi lần báo cáo với sếp, thì bé cũng cần được chuẩn bị tâm lý trước khi đi tới một môi trường không quen thuộc như đi học, đi đến nơi đông người, đi ăn cỗ…
Để chuẩn bị tâm lý cho bé, bố mẹ nên nói chuyện với bé trước về nơi bé sẽ đến, có thể tả về nơi đó như lớp học có cô giáo và rất nhiều bạn., trung tâm thương mại rất đông người và bán nhiều loại hàng hóa khác nhau. Điều đó giúp bé hình dung phần nào nơi bé sẽ đến và xua tan cảm giác hụt hẫng khi mới đến môi trường mới.
Tạo cho bé cảm giác tin tưởng
Đối với nhiều đứa trẻ nhút nhát, việc bạn nói bé “nhút nhát”, hay “lo lắng” hay “không dám” làm gì đó, chỉ khiến bé thêm mất tự tin. Thay vì nói bé như vậy, bạn nên tìm cách để giúp bé cảm thấy tự tin hơn. Bạn có thể hỏi bé “con cảm thấy thế nào” và “thế con muốn làm gì” để giúp bé cảm lấy lại bình tĩnh, sau đó hiểu và giúp bé thực hiện điều bé muốn làm. Hoặc bạn có thể nói với trẻ rằng, khi trẻ cảm thấy hồi hộp hay lo lắng, trẻ có thể nắm bàn tay lại hay “con hãy nghĩ, mẹ đang đứng cạnh con”…
Để bé chơi với những trẻ khác
Khi ở nhà, bé thường chỉ được giao tiếp với người lớn. Bạn có thể đưa trẻ đi mẫu giáo, hay đến các sân chơi dành cho trẻ em. Một điều rất đặc biệt, là trẻ thường ít cảm thấy dễ dàng để nói chuyện, để chơi hay kết thân với những bạn nhỏ tầm tuổi của mình.
Vì thế, nếu bạn không có nhiều thời gian và điều kiện để đưa trẻ đến sân chơi cho bé, bạn cũng có thể mời bạn bè của bé hoặc đưa bé sang chơi cùng trẻ em hàng xóm. Điều này rất tốt cho trẻ, giúp trẻ không còn cảm thấy nhút nhát hay sợ sệt nữa.
Đừng "cứu" con
Tất nhiên là bạn luôn muốn ngăn con khỏi những tổn thương, cảm thấy thất vọng hay phạm lỗi nhưng khi bạn can thiệp quá nhiều, thì chẳng mang lại điều gì tốt cho bé. Chẳng hạn, bạn cố gắng để bé được mời đến một bữa tiệc sinh nhật mà bé không được tham dự, hay làm mọi cách thuyết phục huấn luyện viên bóng đá để con được chơi trong đội tuyển...
"Một điều đặc biệt quan trọng với trẻ là chúng có cơ hội để chơi và chấp nhận rủi ro mà không cảm thấy sẽ bị bố mẹ chỉ trích hay tìm cách sửa chữa khi chúng làm sai điều gì", Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư về tâm lý học tại Đại học Temple University, ở Philadelphia (Mỹ) nói. Bà thậm chí còn khuyến khích các bậc cha mẹ mắc lỗi "có chủ đích". "Thấy bạn làm hỏng mà không quá quan trọng hóa vấn đề, sẽ khiến bé cảm thấy tốt hơn nhiều", bà nói.
Để bé lựa chọn
Khi có cơ hội đưa ra lựa chọn từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ tự tin hơn vào bản thân. Tốt nhất là dành cho bé 2 hay 3 phương án để lựa chọn. Ví dụ, đừng hỏi bé 3 tuổi là con thích ăn gì vào bữa trưa, mà hãy hỏi bé muốn ăn mì hay cơm hoặc bánh... Ngoài ra, hãy luôn nhất quán để bé biết sự lựa chọn chắc chắn được bạn tôn trọng.
Tập trung vào mặt tích cực
Nếu bé hay thất vọng, hãy giúp con lạc quan hơn. Hãy khuyến khích bé nghĩ về những cách cụ thể để cải thiện một tình huống và giúp bé đạt tới gần mục tiêu hơn.
Nếu bé kém hơn các bạn cùng lớp về khả năng đọc, hãy giải thích rằng mỗi người có tốc độ học khác nhau và dành thêm thời gian để tập đọc cùng con. Nếu bé thất vọng vì không được đóng trong vở kịch ở lớp, đừng nói "Ồ, mẹ nghĩ con là một diễn viên thực sự", mà hãy nói "Mẹ biết là con thất vọng. Nhưng con hãy lên kế hoạch để vở kịch lần sau con sẽ được tham gia".
Nuôi dưỡng sở thích đặc biệt của bé
Cố gắng để bé tham gia vào nhiều loại hình hoạt động và khuyến khích con khi bé tìm thấy niềm yêu thích thực sự nào đó. Trẻ con có niềm đam mê, bất kể là tìm hiểu về loài khủng long hay nấu nướng, sẽ cảm thấy tự hào về "chuyên môn" của mình và dễ thành công hơn ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Những sở thích đặc biệt có thể giúp ích đáng kể cho bé khi con quá bận rộn ở trường và bạn có thể giúp con tận dụng niềm yêu thích của mình để kết thân với những đứa trẻ khác. Chẳng hạn, nếu con trai bạn thích vẽ nhưng hầu hết các bé trai trong lớp lại tham gia các môn thể thao, hãy khuyến con vẽ về thể thao. Hay bé có thể tạo một album có những tác phẩm nghệ thuật của mình và mang tới lớp cho các bạn cùng xem.
Để con tự giải quyết khi gặp khó
"Trẻ tự tin khi chúng có thể thương thuyết để có được cái chúng muốn", Myrna Shure, tác giả cuốn Nuôi dưỡng khả năng tư duy của bé, khẳng định. Nghiên cứu của bà cho thấy ngay từ khi con còn rất nhỏ, bạn có thể dạy bé cách tự giải quyết vấn đề của chúng. Và việc của bạn là: cố gắng im lặng.
Tại sân chơi, nếu con chạy đến bên mẹ và phàn nàn rằng một đứa trẻ khác lấy đồ chơi của bé, hãy yêu cầu con nghĩ ra cách nào tốt nhất để đòi lại. Thậm chí nếu ý tưởng đầu tiên của bé là giật lại đồ chơi thì cũng đừng phán xét và hỏi con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu bé làm như vậy.
Khi bé cảm thấy như chúng làm điều gì đó khác biệt, như là giúp cô giáo thu dọn cốc, chén ở lớp hay cất dọn đồ ở nhà, chúng cảm thấy tự tin hơn. Để con nâng cao trách nhiệm của mình trong gia đình không chỉ tốt cho bé mà còn giúp con hiểu được giá trị vị thế của mình khi giúp đỡ người khác làm điều gì đó. Qua đây, bé sẽ trực tiếp thấy rằng để hoàn thành việc gì luôn đòi hỏi sự nỗ lực và con sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện các nhiệm vụ của chính mình trong tương lai.
Tạo cơ hội để bé chơi với nhiều người lớn
Trẻ con thì thích vui chơi với bạn bè cùng lứa nhưng cũng rất quan trọng để bé ở bên những người trưởng thành. Trải nghiệm với những người lớn hơn sẽ mở rộng thế giới của bé. Vì thế, bạn nên khích lệ bé trò chuyện với những người lớn bên cạnh bạn. Nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ gắn bó với một người trưởng thành đặc biệt - như cô giáo, một người bác, người trông trẻ hay một người bạn của bố mẹ sẽ khiến trẻ vững vàng hơn.
Theo Hồng Mai (Tổng hợp) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]