Bố mẹ nào cũng yêu thương con mình nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách dạy con để con thấy mình được tôn trọng, được chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, chỉ vì một câu mắng của bố mẹ có thể làm tổn thương tâm lý của con, kéo theo những hậu quả đáng tiếc. Những chia sẻ dưới đây của một bà mẹ hai con có thể đem tới những thông tin hữu ích cho bố mẹ để tìm được phương pháp dạy con hiệu quả.
Thiếu tinh tế
Có nhiều lý do khiến các bố mẹ đối xử với con bằng sự thiếu tinh tế. Có thể khi còn nhỏ, chính họ đã bị bố mẹ của mình áp đặt theo kiểu "yêu cho roi cho vọt" hay "bố mẹ sinh ra con thì bố mẹ có quyền với con". Vì thế, theo bản năng, bố, mẹ lại tái diễn cách dạy con này với chính những đứa con của mình. Cũng có bố, mẹ gặp quá nhiều áp lực trong gia đình, công việc hàng ngày nên sinh ra nóng nảy, bực dọc, hễ về đến nhà là trút hết mọi giận dữ lên con theo kiểu "giận cá chém thớt". Trường hợp khác, bố, mẹ vốn là người tài giỏi và cầu toàn nên khi thấy con thể hiện không như mong đợi thì cảm thấy khó chịu, rồi hay mắng nhiếc con: "Sao mày dốt thế, ngu thê hả con"... Những cách "yêu thương" con thiếu tinh tế như thế này khiến các con bị tổn thương.
Yêu thương bằng bản năng và đổ lỗi
Khi biết con chửi bậy, đánh nhau... bố mẹ đổ lỗi cho việc con lười biếng, hư hỏng, không biết nghe lời. Khi nhà trường thông báo con bị điểm kém, trốn học, bố mẹ lấy lý do vì công việc quá bận rộn nên đã không có thời gian quản lý việc học của con và đổ lỗi cho con không tự giác học hành. Hoặc nếu phát hiện con nói dối, bố mẹ lại trách mắng con hư hỏng, không biết thương cha mẹ vất vả làm việc nuôi con ăn học... Các trường hợp này đều có một kết cục chung, hễ con mắc lỗi là con sẽ bị bố mẹ mắng, bị chửi và bị đánh đòn mà không tìm hiểu lý do, nguyên nhân con mắc lỗi để cùng con khắc phục, sửa chữa.
Cha mẹ yêu thương nhưng đừng tạo áp lực cho con. Ảnh mình họa: FM.
Đem con ra so sánh
"Con cô Hoa hôm nọ thi đàn được giải Nhất đấy, cháu chú Bình tuần trước được đi thi học sinh giỏi toán, còn mày thì...", "Mày nhìn con ông Cường mà học theo kìa", "Bằng tuổi mày tao đã phải làm cái này, cái nọ rồi... Những câu nói cửa miệng này khiến những đứa trẻ tự ti, bất cần, thậm chí còn tỏ thái độ đố kỵ vì luôn bị so sánh với người khác, trái ngược với mục đích "khích tướng" của bố mẹ để con cố gắng bằng bạn bằng bè. Bởi thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được ý nghĩa thực sự trong hành động của bố mẹ. Bản thân chúng chỉ cảm thấy rằng, vì chúng không tài giỏi, thông minh bằng những đứa trẻ khác nên bố mẹ không còn yêu chúng nữa và chúng tin rằng, dù cố gắng nhiều hơn nữa thì cũng không thể bằng được những đứa trẻ khác.
Kỳ vọng quá nhiều
Mong muốn con sẽ thành nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ... là chính đáng nhưng lại có thể trở thành áp lực cho các con. Có thể đứa trẻ không yêu thích, hứng thú gì với môn toán nhưng bố mẹ lại kỳ vọng chúng trở thành nhà toán học hoặc có đứa trẻ chẳng có năng khiếu, đam mê gì với đàn hát nhưng bố mẹ chúng lại mong muốn chúng trở thành nghệ sĩ. Còn đứa trẻ không dám nói với bố mẹ về điều này mà cứ âm thầm chịu đựng. Cuối cùng, việc học tập không có kết quả tốt mà cả bố mẹ và con cái đều luôn ở trong trạng thái căng thẳng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]