Trẻ lên 3 là lứa tuổi ẩm ương khó bảo khó chiều, nếu không dạy bảo tốt trẻ rất dễ hình thành những thói quen xấu. Có thể nói tâm lý của trẻ ở lứa tuổi này rất phức tạp làm các bậc phụ huynh khá bối rối trong cách nuôi dạy con. Vậy cha mẹ phải làm gì để con có thể bỏ được những thói xấu trong cuộc sống hàng ngày?
Phân tích tâm lý đối với trẻ 3 tuổi
- Bắt đầu phản kháng
3 tuổi là thời kỳ "phản kháng đầu tiên" của trẻ. Trong thời kỳ này trẻ có thể bắt đầu dùng những câu như "ghét", "không làm" để phản kháng lại những yêu cầu của mẹ và chứng tỏ mình là một cá thể độc lập, luôn luôn muốn làm những gì mình thích.
- Cái gì cũng mó tay đòi tham gia
Sau khi trẻ đã có sự tự tin thì trẻ rất muốn biết xem mình rốt cuộc có thể làm được những gì. Vì vậy bất luận là việc gì trẻ cũng đều tỏ ra hứng thú tham gia và khi trẻ làm thường không thích mẹ can thiệp quá nhiều, bởi như vậy trẻ mới chứng tỏ được mình.
- Rất hay đòi mẹ mua đồ
Trong thời kỳ này trẻ cứ nhìn thấy đồ chơi là ngay lập tức đòi mẹ mua bằng được. Có khi để có thể có được cái mình muốn trẻ thậm chí lấy cả đồ của các bạn khác làm vật sở hữu của mình. Đối với trẻ ở độ tuổi này thì chỉ khi nào thứ trẻ muốn được đáp ứng trẻ mới chịu yên.
Một số biểu hiện của trẻ trong độ tuổi này và cách xử lý
- Đã có đồ chơi rồi vẫn đòi mẹ mua cho nữa
Khi đã có đồ chơi rồi mà cứ luôn miệng đòi mẹ mua nữa, cho dù dỗ thế nào cũng không được thì bạn sẽ làm gì? Nếu như đáp ứng vô điều kiện để cho trẻ khỏi quấy khóc thì bạn đã bắt đầu tạo cho trẻ một thói quen rằng chỉ cần khóc toáng lên là có thể có được những gì mình muốn. Cách làm đó sẽ khiến trẻ càng lên nước, được đằng chân lân đằng đầu. Vì vậy khi trẻ đòi muốn thứ gì bạn cần phải tùy từng trường hợp cụ thể mà quyết định đáp ứng hay không và thường xuyên phải nhắc nhở trẻ rằng, hành động quấy khóc đòi mẹ mua thứ gì đó là không tốt, nhất là khi ở những chỗ đông người. Bạn hãy chuẩn bị cho trẻ một con lợn đất, đồng thời dạy trẻ cách tiết kiệm tiền và dùng tiền đó để mua quần áo, đồ chơi cho trẻ…
- Muốn tự làm một mình
Trẻ muốn tự mình rửa mặt, tự mình mặc quần áo thầm chí là tự mình ăn cơm… Điều đó chứng tỏ trẻ đã có tính tự lập, chúng muốn chứng minh rằng, chúng cũng có thể làm được những việc như người lớn vẫn làm. Vì nếu trẻ tự làm sẽ thường dẫn tới hỏng việc, tốt nhất không nên cho trẻ "tự biên tự diễn" ở độ tuổi này mà ít nhiều phải có sự hỗ trợ của bố mẹ.
- Chạy nghịch luôn chân luôn tay
Trẻ trong độ tuổi này rất hiếu động, đó là một biểu hiện về sự hiếu kỳ của trẻ đối với những vật xung quanh, cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm. Bạn hãy cho trẻ đi chơi ở công viên, chỉ cho trẻ xem và gọi tên từng loại cây, từng con vật, hoặc dẫn trẻ đi ăn ở nhà hàng sau đó cho trẻ biết món ăn có tên là gì, cũng như nó được làm từ những nguyên liệu nào… Như vậy sẽ giúp trẻ lý giải được nhiều điều trong thế giới muôn màu của trẻ.
- Không lễ phép
Đôi khi trẻ rất vô lễ với người lớn. Trong khi trẻ chơi, tiếp xúc với những đứa trẻ cùng trang lứa có thể học được một cách vô thức những câu chửi tục tĩu hay những việc làm không tốt rồi tự cho mình là nhất. Từ đó khiến cho trẻ rất dễ có những biểu hiện về lời nói, hành động vô lễ với người lớn. Khi gặp tình huống như vậy bạn sẽ làm gì? Lập tức quát nạt trẻ không được như vậy. Tốt nhất bạn không nên ép trẻ phải dừng ngay câu nói hay hành động đó. Ví dụ trẻ nói "mẹ ngu" thì bạn hãy nhẹ nhàng hôn trẻ một cái coi như không có gì, sau đó nói với trẻ: "Này con ngoan, con không được nói như thế nhé, hư đấy", hoặc khi trẻ đưa tay lên đánh thì nên nhẹ nhàng khuyên bảo và sửa chữa hành vi của trẻ.
Một số nguyên tắc mẹ nên tuân thủ
- Không nên quát nạt trẻ
Khi trẻ vô lễ hoặc có những hành động thái quá, mẹ không nên quát nạt trẻ ầm ĩ, mà cần nhẫn lại giảng giải cho trẻ nghe lý do trẻ không được làm như thế.
- Để mặc trẻ
Mặc dù mẹ đã rất nhẹ nhàng khuyên bảo, dỗ dành nhưng trẻ vẫn không nghe. Nếu gặp trường hợp như vậy, bạn có thể tạm thời bỏ đi để cho trẻ ở đó một mình.
- Không dạy bảo trẻ bằng cách mua đồ chơi
Nhiều bà mẹ để dỗ cho trẻ khỏi quấy khóc (một cách vô cớ) nên đã mua cho trẻ những thứ đồ chơi đắt tiền. Thực tế cách đó sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ.
- Hãy làm cho hai từ "không được" phát huy tác dụng của nó
Một khi đã nói với trẻ hai từ "không được" thì cần lập tức ngăn chặn ngay hành động của trẻ bằng cách đặt trẻ ra chỗ khác hoặc lấy đồ trong tay trẻ, để thể hiện rõ ràng lập trường của mẹ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]