Con đầu lòng ganh tỵ với em
Con đầu Huệ được 4 tuổi thì chị sinh thêm em bé. Kể từ đó bé lớn đâm ra ganh với em nhỏ. Mỗi khi chị Huệ cho em bé bú là bé lớn khóc đòi mẹ bế hoặc tỏ vẻ mặt rất buồn. Những khi mẹ ru em ngủ, chơi với em thì bé lớn cứ mè nheo, thậm chí có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi của em hay chọc cho em khóc.
Trong khi đó, chị kể những lúc em bé ngủ là chị dành hết thời gian chơi với bé lớn, nhưng bé vẫn ganh tị. Dù đã giải thích với con, nhưng dường như bé lớn nhà chị Huệ vẫn cảm thấy tửi thân mỗi lần thấy mẹ gần gũi, âu yếm em bé.
Cũng giống như trường hợp chị Huệ. Gia đình anh Trí, chị Lan sinh con thứ 2 khi con gái đầu lòng mới hơn 3 tuổi. Ban đầu, em bé còn nằm trong bụng mẹ thì con gái chí rất thích nói chuyện và sờ vào em bé ở trong bụng mẹ. Nhưng kể từ khi em bé ra đời, con gái chị thay đổi hẳn. Bé tỏ ra ghét em bé, nhiều lúc bé vừa khóc vừa gào lên rằng “Con ghét em nhất!”.
Có lần, chị Lan đang cho em bé ti bầu thì con gái chị nhảy phắt lên giường, đẩy em bé ra, rồi chui vào lòng mẹ, làm em bé tí rơi khỏi giường. Mặc dù giận con, nhưng chị Lan cũng cảm thấy thương con gái đầu hơn. Nhiều lúc thấy con con cứ mè nheo “Mẹ ơi, bế con một tí”, trong khi chị đang ắm em bé, chị lại ứa nước mắt.
Chuyện con đầu được hưởng trọn sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ trước khi có em là chuyện thường tình. Nên bây giờ có em, các bé lớn sẽ phải san sẻ tất cả những gì bé đang “độc quyền”. Vì vậy, các bé là con đầu tỏ thái độ phản ứng lại với em bé - người mà các bé nghĩ đang lấy bớt của bé tình yêu của mẹ, thời gian của mẹ - là một phản ứng thường gặp.
Để khắc phục thái độ “ghen” này của các bé đầu lòng, cha mẹ cần làm công tác tâm lý cho bé ngay khi có ý định sinh em bé thứ hai. Và sự chuẩn bị này phải làm thường xuyên liên tục. Cha mẹ cần nói với bé về ý định sinh thêm một người bạn cho bé, thêm người chơi với bé, thêm người bảo vệ bé khi bé bị bắt nạt… Khi mang bầu bé thứ hai, cha mẹ thường xuyên để cho con nói chuyện với em bé, chơi với em bé, đồng thời tham gia vào quá trình thai giáo – dạy bé trong bụng mẹ cùng cha mẹ.
Trường hợp các bé đầu lòng có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi, chọc em khóc có thể xuất phát từ nguyên nhân bé cảm thấy chưa sẵn sàng đón nhận một thành viên mới của gia đình, thấy thiếu tình yêu của mẹ. Dù cho mẹ đã dành thời gian cho bé đầu lòng khi em bé ngủ nhưng bé vẫn thấy chưa đủ, chưa an tâm.
Thậm chí, các bé khi lớn lên còn luôn hỏi mẹ thương ai hơn nữa. Có bé còn có mặc cảm mẹ chỉ thương anh chị hay em mà không thương mình. Từ đó bé mặc cảm, tự ti và ngầm ghen ghét anh chị hay em mình. Cảm xúc tiêu cực này rất cần cha mẹ quan tâm và điều chỉnh.
Bé đầu lòng thường hay ghen tị với em vì nghĩ rằng em đã chiếm hết tình yêu của bố mẹ.
Làm gì khi con đầu lòng ghen tị với em bé?
Để cho con đầu lòng không "ghét" em các bậc cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con lớn ngay từ những ngày em bé còn nằm trong bụng mẹ.
Cha mẹ cùng đừng quên phải tường xuyên nói với con: “Có em con sẽ có thêm bạn, thêm người cùng chơi, cùng bảo vệ nha”... Để bé lớn hiểu khi có em, bé sẽ “được” rất nhiều. Các mẹ cũng nhớ là phải luôn công bằng trong việc quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ hai bé nhé. Ví dụ cùng mua đồ chơi cho hai bé, có thể khuyến khích cho bé lớn chọn đồ chơi cho em.
Các mẹ cũng nên cho con cùng tham gia chăm em bé với mẹ. Ví dụ nhờ con đầu lòng giúp những việc nho nhỏ như lấy tã cho bé, chuẩn bị đồ tắm cho em bé. Dạy con lớn nhường đồ chơi cho em bé, đung đưa bóng bay cho em bé chơi. Khi thấy em bé cười, hãy khen con lớn đã biết dỗ em.
Và dù bận chăm sóc em bé thế nào, thì cha mẹ vẫn phải luôn quan tâm đến bé lớn bằng ánh mắt, nụ cười, bằng những cử chỉ quen thuộc, như xoa lưng, cõng bé lớn… như trước khi có em bé. Không mắng, phạt khi bé lớn khi bé có biểu hiện xấu với em, mà cha mẹ phải phân tích cho bé lớn hiểu hành động mình làm là sai và cha mẹ rất buồn khi bé làm như vậy.
Sự thay đổi của bé đầu lòng với em phụ thuộc rất nhiều vào sự yêu thương, quan tâm của cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ đừng nghĩ rằng con đã 3, 4 tuổi rồi thì bé sẽ hiểu khi bố mẹ dành hết tình yêu thương cho em bé nhé.
Trẻ em vốn rất công bằng, chúng muốn cha mẹ cũng yêu thương chúng như em bé, để không cảm thấy tủi thân hay suy nghĩ rằng, cha mẹ chỉ yêu thương em mà quên mất chúng. Các biện pháp đánh mắng, hay không cho bé lớn lại gần em càng làm bé ghét và ganh tị với em hơn mà thôi. Chính vì vây, hãy cứ quan tâm em bé hơn một chút nhưng đừng “bỏ quên” con đầu lòng các mẹ nhé!
Theo Hà Linh (TH) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]