Trẻ có tính tự lập sẽ dễ hòa nhập khi vào lớp 1. Ảnh: Chí Cường
Hội chứng nhịn đi vệ sinh
Chị Nguyễn Thị Tươi (ở Hà Đông, Hà Nội) vẫn nhớ rõ năm đầu tiên cậu con trai đi học bán trú. Vì sợ cô giáo, không dám xin ra ngoài nên con chị Tươi thường “nhịn”, đến giờ ra chơi mới cuống cuồng chạy vào nhà vệ sinh. Có lần không kịp, cậu bé ị đùn ra quần, bạn bè trêu chọc khiến bé cả tuần liền không chịu đi học. Chỉ đến khi bố mẹ nhờ cô nhắc các bạn trong lớp không trêu về chuyện ị đùn nữa, con chị Tươi mới vui vẻ đi học trở lại.
Tương tự, cháu Tiến- con anh Lâm (ở Kiến An, Hải Phòng) mắc chứng táo bón sau một năm học lớp 1 chỉ vì lý do không dám đi vệ sinh vì nhà vệ sinh ở trường “không giống như ở nhà”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội) cho hay, với trẻ ở thành thị đã được làm quen với học bán trú ngay từ mầm non nên khi vào tiểu học cũng không có nhiều lạ lẫm lắm. Dù vậy, khi thay đổi môi trường học do chưa quen dẫn đến trẻ sẽ biến động tâm lý, trẻ có thể bị “sốc” nếu chuẩn bị tâm lý không tốt. Đó là trẻ sợ đến lớp, trẻ tè dầm trong lớp vì không dám xin cô cho đi vệ sinh, trẻ không đi vệ sinh được vì nhà vệ sinh ở trường không sạch sẽ như ở nhà, trẻ để quên đồ dùng học tập ở nhà tới lớp sợ cô phạt khóc sưng mắt…
Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể (Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân) cũng cho rằng, mặc dù được học mẫu giáo và cũng đã quen ở tại trường buổi trưa, nhưng ở cấp tiểu học trẻ phải có tính tự lập cao hơn trong mọi việc như tự cất sách vở, tự lo đi vệ sinh, tự xúc ăn và cất bát ăn, tự lo lấy chăn, gối của mình khi đi ngủ… Hơn nữa khi vào trường mới trẻ phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới... làm các trẻ bỡ ngỡ, không biết xử lý tình huống như thế nào. Nếu việc giáo dục trong gia đình không tốt, trẻ sẽ dễ ảnh hưởng tâm lý. Những biểu hiện thường thấy ở trẻ như: Khóc lóc, sợ hãi đi học, giảm cân liên tục…
Dạy trẻ tính tự lập
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, để trẻ thích nghi với lớp học mới, cha mẹ cần lắng nghe con, giúp con làm quen với môi trường mới bằng cách cùng đi học với con những ngày đầu. Chẳng hạn, hàng ngày chở bé đến trường chơi, được giao tiếp với nhiều bạn mới, tạo cho bé cảm giác thân quen với môi trường mới. Khi đưa con đi học cha mẹ có thể đưa con xuống nhà ăn, vào nhà vệ sinh công cộng ở trường… hướng dẫn con cần làm những gì và gặp sự cố biết cách xử lý ra sao. Cha mẹ cần nói với con không được nhịn đi vệ sinh vì như vậy có hại cho sức khỏe, khi muốn đi cần mạnh dạn xin cô giáo…
Đối với học sinh mới đi học bán trú, cha mẹ cũng cần lưu tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Những ngày đầu nhập học, nhất là những trẻ mới vào lớp 1 do chưa thích nghi nề nếp, chế độ dinh dưỡng của trường nên khẩu vị, thói quen ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng dẫn tới tình trạng sụt cân, đau ốm. Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ cần phải cho con ăn sáng đủ chất ở nhà. Với những trẻ biếng ăn, ngoài việc nhắc nhở con, cha mẹ nên cho trẻ mang theo những thức ăn nhẹ như sữa, bánh mỳ, bánh phô mai... để trẻ ăn bữa ăn phụ vào thời gian nghỉ giữa các giờ học.
Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể cho biết, việc các em có nhanh chóng làm quen với lớp học bán trú hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của giáo viên. Các cô giáo để cho trẻ tự lập sẽ khiến trẻ e dè, sợ hãi tăng lên, không giao tiếp tự nhiên được. Trẻ sẽ không kiểm soát được nhu cầu sinh lý như tiểu, đại tiện không dám nói… Sự cởi mở của các cô giáo sẽ giúp trẻ hòa nhập nhanh hơn.
Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường giao tiếp với thầy cô, lắng nghe thầy cô phản ánh về con mình. Hãy nói với cô giáo những điểm mạnh và yếu để nhờ cô hỗ trợ con những ngày đầu. Mỗi khi trẻ ở lớp về, cha mẹ cần khéo léo trò chuyện, hỏi trẻ những khúc mắc, khó khăn mà trẻ gặp phải ở lớp bán trú để tìm cách tháo gỡ.
Điều đặc biệt cha mẹ cần lưu ý khi giúp trẻ hòa nhập cuộc sống ở lớp bán trú đó là hướng dẫn trẻ làm một số việc phù hợp với tuổi như: Dạy con tự đi vệ sinh, giúp mẹ dọn dẹp bàn học, khuyến khích trẻ tham gia chơi với trẻ hàng xóm, biết cách chuẩn bị cặp sách trước khi đi học… Trẻ khi đi học bán trú cũng có thể phải đối mặt với những lời trêu chọc, chỉ trích nhất là những trẻ có sức khỏe yếu, thấp bé… Cha mẹ hãy dạy con biết cách đáp lại những cử chỉ khiêu khích, những câu nói chỉ trích. Sau buổi tới trường, cha mẹ nên gợi chuyện để con kể lại những gì đã diễn ra trong buổi học, chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của trẻ. Nếu trẻ làm sai, không nên cáu giận vì sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]