Môi trường học đường nên là nơi giúp con tự tin, vui vẻ thay vì là nơi gieo rắc nỗi sợ hãi. Ảnh minh họa: Internet.
Dọa ma, dọa ông kẹ
Con gái mình đi học về, bắt đầu sợ bóng đêm, sợ ma và ông kẹ. Con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, ông kẹ là ai vậy mẹ?” Hỏi ra mới biết các cô ở trường hay mang ra hù dọa các bé.
Những lúc đó mình ôm con vào lòng và bảo “Ông kẹ là một ông già có râu, phúc hậu lắm, là ông ngoại của cháu kẹ”. Nghe xong con liền bảo “À giống con là cháu của ông ngoại phải không mẹ.”
Mình cười và bảo “À con đã hiểu rồi đó. Mẹ cũng sợ chuột, sợ bóng đêm, nên con người ai cũng có nỗi sợ riêng, nên nếu con sợ hãy ôm mẹ và hãy biết rằng mẹ bên cạnh con”.
Mình thường nói về ma một cách bình thản, như một hiện tượng tự nhiên, chẳng bao giờ nhát con. Vì nói thật khi xưa hay bị nhát nên mình cũng sợ. Các bạn có thề cho con xem thêm những bộ phim hoạt hình vui nhộn về ma như “chú ma vui vẻ Caber”. Hoặc kể những câu chuyện ma thiếu nhi đáng yêu. Và mình với con thường hay giả ma để trêu đùa nhau. Biến nó thành điều bình thường thì nỗi sợ sẽ giảm đi rất nhiều.
“Con hư sẽ cho đi bán vé số”
Mình cũng không ngại phê phán cô và phân tích cho con nếu cô sai. Chẳng hạn, cô nói con “nếu hư sẽ cho bán vé số”. Mình nói với con: “Cô nói vậy là không đúng, bán vé số cũng là một công việc, con thấy có ai làm việc mà hư không ?”
“Dạ không”
“Giống như Út, Út làm việc, công việc là làm bánh, vậy Út có hư không?”
“Dạ không”
“À đúng rồi, bất cứ công việc nào mà lương thiện đều là tốt cả.”
Con gái nhìn mình mắt sáng rỡ!
Không chỉ thầy cô giáo, nhiều phụ huynh cũng đưa những công việc lương thiện ra để dọa con: “Nếu không học hành lớn lên sẽ bán vé số hay lượm bịch ni long.” Vô tình, chúng ta đã tạo ra cho con cái nhìn không đúng đắn về lao động, coi khinh những công việc bình thường như lao công, quét dọn…
“Cô ơi, con muốn nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện!”
Sau nhiều lần chuyển trường, cuối cùng mình đã chọn được trường ưng ý hơn cho con. Dĩ nhiên, trường nào cũng có những mặt trái, điều quan trọng là con mình đã có thể tự tin đối mặt và xử lý tình huống mà không cần có mẹ.
Khi con chạy nhảy, cô dọa: “Nếu còn chạy nhảy thì sẽ cột dây nhốt trong tủ”. Con gái mình đã biết nói rõ ràng với cô “Con không thích bị cột dây à nha, nói chuyện, nói chuyện thôi.”
Khi con đi mẫu giáo, ũng như các bố mẹ khác, mình đã rất cân nhắc, lo lắng. Mỗi lần đi học về con kể chuyện ở lớp bị dọa, bị cốc đầu, đánh vào chân… mình lại lặng người đi xót xa. Mỗi lần con chuyển trường, mình lại thót tim nín thở không biết nơi mới có tốt hơn chỗ cũ, hay lại tệ hơn?!
Rốt cuộc thì mình hiểu rằng vấn đề không chỉ ở trường học, mà chính ở nền giáo dục đáng buồn của nước nhà. Chuyển đi đâu cũng có những mặt trái, mặt chưa tốt. Mình khuyến khích con đi học để con va chạm mọi mặt của xã hội. Điều quan trọng là cha mẹ biết bảo vệ con từ xa, dạy con biết nói “đói”, “đau”, “khát”, “mệt”, dạy con biết tự bảo vệ mình trước những xâm hại về thể chất và tinh thần.
Theo Nguyễn Tuyết Hà My - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]