Nhưng đáng nói là cách trẻ sử dụng điện thoại không thể hiện nét văn hóa trong thời đại văn minh. Cảnh một đứa trẻ tuổi teen cắm đầu vào điện thoại không đoái hoài gì đến thế giới xung quanh là việc thường thấy hiện nay.
Nhiều người thường dễ dàng bỏ qua các lỗi nhỏ như trẻ đọc tin nhắn khi đang nói chuyện, nhưng nếu không giúp trẻ hiểu rõ như thế nào là bất lịch sự, trẻ sẽ tiếp tục phạm vào thói quen xấu này, dẫn đến các tác hại nghiêm trọng khi trưởng thành, trong môi trường làm việc và giao tiếp chuyên nghiệp. Dạy con trẻ phép lịch sự khi sử dụng điện thoại là việc cha mẹ cần lưu tâm.
Ảnh mang tính minh họa
Tập sử dụng điện thoại để gọi nhiều hơn
Ngày nay, không chỉ trẻ tuổi teen mà cả người lớn đã quá quen với việc liên lạc bằng tin nhắn, đến mức chúng ta ngại việc nói chuyện, dù là qua điện thoại. Trong khi đó, có rất nhiều trường hợp chỉ gọi điện thoại mới có thể truyền tải được thông điệp một cách rõ ràng. Bởi lời nói bao giờ cũng kèm theo cả tính chất cá nhân và biểu cảm mạnh mẽ mà vài dòng tin nhắn không thể truyền tải được.
Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên tạo cơ hội cho trẻ gọi điện thoại để bé tập cách nói chuyện. Bắt đầu từ những lần cha mẹ gọi điện thoại cho con, nói chuyện với bé nhiều lần, cùng với các quy cách đơn giản như nói “A lô”, cách nói chào và khi nào thì dập máy. Khi bé đã tự tin, cha mẹ có thể nhờ con gọi cho những người khác.
Làm gương
Cách dạy trẻ tốt nhất bao giờ cũng là người lớn làm gương. Thói quen xấu khi sử dụng điện thoại không chỉ có ở lớp trẻ, ngay cả người lớn cũng bị ảnh hưởng. Đầu tiên, cha mẹ phải cho trẻ thấy cách nói chuyện qua điện thoại đúng mực là như thế nào.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đang bận bịu với điện thoại, nếu bé đòi hỏi cần có sự chú ý, bạn nên ngay lập tức chuyển sự chú ý sang trẻ. Trong những hoạt động gia đình (như vào bữa ăn), bố mẹ cũng phải tự đặt ra luật không sử dụng các thiết bị di động, kể cả ti vi.
Bàn về phép lịch sự
Dĩ nhiên, cách dạy truyền thống nhất là nói chuyện với trẻ về phép lịch sự. Cha mẹ phải làm việc này thường xuyên, sẵn sàng trả lời các câu hỏi của trẻ. Không phải lúc nào vấn đề cũng chỉ có hai mặt đúng và sai, bao giờ cũng có ngoại lệ và những quy tắc riêng của chúng.
Cha mẹ cần giải thích cho trẻ khi nào thì nên và không nên sử dụng điện thoại. Đôi khi sẽ có những tin nhắn, cuộc gọi mang tính khẩn cấp khiến trẻ cần phải quan tâm. Hãy chỉ cho bé cách xin phép, xin lỗi và ứng xử khi buộc phải sử dụng điện thoại khi đang nói chuyện với người khác.
Chỉ ra các ví dụ xấu
Một cách khác để dạy trẻ phép lịch sự là chỉ ra các ví dụ xấu. Khi ở nơi công cộng, nếu cha mẹ thấy một ai đó vi phạm phép lịch sự trong cách sử dụng điện thoại, hãy chỉ ra để trẻ có thể thấy.
Dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ chú tâm nhiều hơn vào điện thoại là vì chúng ngại giao tiếp. Để khắc phục điểm này, cha mẹ phải giúp trẻ học các kỹ năng giao tiếp trực tiếp, nhất là khi trẻ cần được củng cố sự tự tin khi tiếp xúc với môi trường xung quanh (như nói chuyện với người lạ).
Những kỹ năng hội thoại cũng vô cùng quan trọng, trẻ cần biết được cách để có thể duy trì một cuộc nói chuyện về bất kỳ chủ đề nào mà vẫn giữ được vẻ lịch sự và tôn trọng người đối diện.
Hình phạt
Nếu trẻ vẫn tiếp tục phạm vào thói quen xấu, cha mẹ có thể đặt ra các hình phạt. Không phải là những hình phạt truyền thống như la mắng hay cấm túc, hình phạt cần mang tính xây dựng. Cha mẹ có thể tạm thời tịch thu điện thoại của trẻ để buộc bé phải chuyển sự chú ý ra bên ngoài; hoặc có thể đặt ra các quy định hạn chế trẻ sử dụng điện thoại.
Phép lịch sự khi sử dụng điện thoại cũng như bất kỳ lễ nghĩa và quy chuẩn xã hội nào, trẻ phải tập thành thói quen để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ không thể ép buộc, ra lệnh nhất thời mà phải từ từ uốn nắn bé.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]