Dạy con tự lập đòi hỏi bố mẹ phải kiên nhẫn. Ảnh minh họa
Xác định việc trẻ có thể làm được theo độ tuổi
Muốn dạy con tự lập thành công, trước hết bố mẹ cần phải biết con mình có khả năng làm được việc đó ở độ tuổi đó không? Bạn không thể mong muốn con làm việc gì đó khi nó quá sức của con. Với mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta nên đặt ra mục tiêu và cách thực hiện các bước khác nhau để dạy trẻ về tính tự lập. Ngay khi các bé còn nhỏ, bạn có thể để con tự nhặt đồ chơi, tự cởi và mặc quần áo, rửa mặt, tay, đánh răng, tự đi dép, chuẩn bị mũ, áo khoác, khẩu trang khi đi ra ngoài, tự ăn…Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn có thể hướng dẫn con tự tắm rửa, tự giặt áo quần, làm một số công việc nhà đơn giản… đây chính là những kỹ năng hết sức cơ bản và quan trọng giúp bé tự chăm lo cho chính mình.
Làm gương cho con về tính tự lập
Có một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ rất có lợi cho việc phát triển ý thức sống tự lập là thích bắt chước người lớn. Các thành viên trong gia đình nên tạo mọi cơ hội cho bé nhìn thấy các việc làm và cách thức làm việc của mình, đồng thời nên giải thích cho bé về việc đó (dù bé có hiểu hay không). Sau đó nên khuyến khích trẻ tham gia vào công việc phù hợp với khả năng.
Đừng nông nóng
Đừng bao giờ tỏ ra sốt ruột hay lo sợ trẻ làm hư, làm vỡ mà can thiệp trong quá trình trẻ đang làm. Việc cha mẹ cần làm là kiên nhẫn, hạn chế sự trợ giúp đối với trẻ khi không thật sự cần thiết, đừng vì thấy trẻ làm mọi thứ lộn xộn hơn hay không thể tự ăn được mà xắn tay vào làm thay cho trẻ là bạn đã thất bại rồi. Hãy quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những cách chỉ dẫn trẻ làm cho phù hợp. Nhanh chậm không quan trọng bằng việc trẻ thu được gì cho bản thân từ những việc làm ấy, và không bị làm cho mất hứng thú.
Ví dụ con muốn mở cửa thì những cánh cửa nhỏ trẻ có thể với được, phụ huynh hãy kiên nhẫn để bé tự mở, đồng thời hướng dẫn cho trẻ từ cách đút chìa khóa, vặn khóa và mở khóa. Nếu cháu muốn tự đi dép trước khi đi ra ngoài, cha mẹ nên kiên nhẫn chờ cháu đi dép chứ đừng có tâm lý “đi hộ con cho nhanh”.
Tạo ra môi trường thú vị cho bé rèn luyện
Trẻ sẽ không thể tự lập được nếu bố mẹ không chủ động “giao việc” và tạo môi trường để trẻ có thể phát huy điều đó. Ví dụ: Khi hai mẹ đi siêu thị, bạn có thể giao cho bé xách một số đồ nhẹ, giúp mẹ gập quần áo, làm một số việc vặt trong bếp khi mẹ nấu cơm…
Đừng quên khen ngợi, động viên trẻ
Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, cần hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng. Thay vì chỉ nói: “Con của mẹ giỏi quá!” bạn hãy nói và chỉ danh đến hành động con vừa làm được: con đánh răng sạch quá, miệng con rất thơm vì con đã đánh răng, cảm ơn con vì đã lau bàn ăn, lấy chén bát giùm mẹ, cảm ơn con vì đã xách đồ cho mẹ, con đi vệ sinh đúng nơi quy định rồi đó, hôm nay con xếp áo quần ngay ngắn quá, kệ dép nhà mình gọn gàng là nhờ con đấy nhé….
Hãy khoe các thành tích của bé với mọi người, khen ngợi khi con bắt đầu làm tốt và tỏ ra tự hào khi bé sắp thành người lớn để chúng có động lực cố gắng hơn. Mẹ nên tránh dùng từ hàm ý chê bai, gây sự tự ti cho trẻ kiểu như “đấy, đã hiểu chưa”, “mẹ dạy rồi mà vẫn không biết làm à”.
Theo Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]