Ảnh minh họa: Internet
Bạn nhận thấy đứa con 2 tuổi của mình có xu hướng chỉ gắn bó với một đồ chơi cụ thể? Bé có thể chơi với món đồ chơi tàu lửa cả ngày, thậm chí dành cả ngày để nói về nó? Hoặc bé lại mê mẩn với những con khủng long đồ chơi và mang theo chúng ra ngoài, thậm chí ngay cả khi bạn cho bé đi ngủ thì bé cũng không thể rời tay khỏi chúng?
Bạn băn khoăn lo lắng đó là sở thích của bé hay bé đang gặp phải một vấn đề nào đó?
Trong hầu hết các trường hợp, điều này đơn giản chỉ là một giai đoạn phát triển hết sức bình thường của bé. Dưới đây là một số lí do vì sao bé thường xuyên phải mang đồ chơi theo:
- Bé thích có một vật quen thuộc, gần gũi ở bên: Đó là những vật bé đã "nằm lòng" về mùi vị, âm thanh, hình dạng, màu sắc và điều này khiến bé cảm thấy vui vẻ, an toàn. Bé mang theo đồ chơi đơn giản vì thứ đồ chơi đó có thể mang lại cho bé niềm vui và sự thoải mái.
- Bé thích cảm giác mình có quyền: Việc bé có thể chọn một món đồ chơi và tự quyết định mang theo món đồ chơi đó và kiên định rằng món đồ chơi đó sẽ ở bên bé mọi lúc mọi nơil à quan trọng. Việc làm này khiến bé cảm thấy mình có quyền lực.
- Bé sẽ cảm thấy dễ chịu: Món đồ chơi đó mang lại cảm xúc dễ chịu cho bé. Do đó, việc mang theo một món đồ chơi mà bé thích sẽ làm tăng cảm xúc vui vẻ.
- Mang đồ chơi là cách thể hiện cá tính của bé: Đối với một số bé, việc mang đồ chơi theo là dấu hiệu cho thấy bé là khác biệt và duy nhất so với những bé khác. Bé tự hào về sự khác biệt này.
Hầu hết các bé đều sẽ từ bỏ đam mê mang theo một món đồ chơi nào đó sau vài tuần chỉ cần bạn đừng quá để ý đến điều đó. Bạn có thể nói chuyện với con và để cho bé chơi với món đồ chơi đó nhiều nhất có thể. Nếu bạn “gây” ra cuộc đối đầu trong việc từ bỏ món đồ chơi mà bé thích, bé sẽ có xu hướng gắn chặt với món đồ chơi đó nhiều hơn.
Tuy nhiên việc sở hữu đồ chơi sẽ trở thành vấn đề nếu bé có các dấu hiệu đáng quan tâm về tâm lý. Ví dụ: Một đứa trẻ hai tuổi có bố mẹ ly hôn sẽ có xu hướng tìm kiếm sự thoải mái và yên bình trong một món đồ chơi đặc biệt. Tương tự như vậy, một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn bè cùng tuổi cũng sẽ thích một món đồ chơi đặc biệt nào đó để trốn thoát khỏi các mối quan hệ xã hội.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bé gặp những khó khăn về cảm xúc khi chỉ chơi với một món đồ chơi riêng:
- Món đồ chơi đó chi phối hoàn toàn cuộc sống của bé: Tức là nó chiếm lĩnh hoàn toàn những suy nghĩ và trở thành chủ đề duy nhất trong các cuộc nói chuyện của bé.
- Chỉ dành thời gian để chơi với món đồ chơi đó: Bất luận thế nào bé cũng chỉ dành thời gian để chơi với đồ chơi mà không dành thời gian để chơi với các bạn.
- Bé từ chối ra khỏi nhà mà không có món đồ chơi đó và tự nhiên bùng nổ cơn cáu giận nếu bạn không cho phép bé mang món đồ chơi đó ra khỏi nhà.
- Việc bé thích và sở hữu món đồ chơi đó đã diễn ra trong vài tuần và không có dấu hiệu giảm nhẹ hoặc thay đổi.
- Bé tỏ ra đau khổ khi không thể mang đồ chơi mọi lúc mọi nơi như phiền muộn kéo dài và tiếp tục như thế cho đến khi được “gặp” lại đồ chơi.
Nếu bạn nghi ngờ các dấu hiệu trên hãy cân nhắc kỹ lưỡng về tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của bé. Cố gắng xác định bất kì khía cạnh nào mà bé có thể đang gặp rắc rối như có thể bé có vấn đề gì đó với bạn bè hoặc với anh chị em khác trong nhà, hoặc bé đang lo lắng về việc phải xa mẹ khi bắt đầu đi nhà trẻ... Khi bạn đã tìm hiểu và giải quyết được tận gốc những lo lắng của bé, nỗi ám ảnh của bé sẽ biến mất.
Theo Tường Vy - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]