Người Nhật dạy trẻ mẫu giáo cách chào hỏi, mỉm cười, cảm ơn. Ảnh: Internet.
Dạy trẻ cách ứng xử với người khác
Người Nhật dạy trẻ mẫu giáo không chú trọng giáo dục trí tuệ, dạy chữ hay toán. Các cô giáo Nhật dạy học sinh cách mỉm cười, nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện, biết cách cảm ơn và xin lỗi. Trẻ được rèn luyện cách ứng xử với người khác thông qua giao tiếp với các bạn, qua những điều cụ thể, nhỏ bé mà cô giáo dạy hàng ngày.
Bởi vậy, dạy trẻ hòa nhập và có nhiều bạn thân là một trong 5 mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục mầm non Nhật, bên cạnh các mục tiêu khác như: Trẻ khỏe mạnh; Trẻ có tâm hồn phong phú, Trẻ chịu khó suy nghĩ; Trẻ luôn cố gắng và nỗ lực.
Trẻ mẫu giáo Nhật tự xách túi đến trường. Ảnh: Internet.
Dạy con tự lập
Một người mẹ Trung Quốc ở Nhật Bản đã vô cùng sửng sốt trước cách người Nhật dạy trẻ mẫu giáo khi thấy các bé mang rất nhiều túi đến trường: túi sách vở, dụng cụ ăn uống, đựng quần áo, túi giày… và mỗi bé tự xách 2,3 túi lỉnh kỉnh mà không có sự giúp đỡ của người lớn.
Ở lớp mẫu giáo, các bé cởi đồng phục trường, thay bộ quần áo để vui chơi, thay giày bale trắng, và lại tiếp tục thay giày đi tập thể dục. Sau khi ngủ chiều, bọn trẻ lại thay quần áo.
Thông qua hàng loạt việc có vẻ phiền phức và rắc rối đó, trẻ em Nhật học được cách tự lập, xử lý công việc thường ngày và học cách ngăn nắp.
Ở lớp mẫu giáo cũng như ở nhà, các em 3,4 tuổi đã tự mình làm hết mọi việc, từ ăn uống, mặc quần áo, thu dọn đồ đạc, kê bàn ghế, dọn vệ sinh lớp... Lúc đầu các bé làm rất chậm, mặc quần áo thì xỏ nhầm tay, cài nhầm khuy, nhưng cuối cùng các bé biết cách làm đúng, nhanh và chính xác hơn.
Người Nhật đặc biệt chú trọng rèn luyện thể chất cho trẻ từ nhỏ. Ảnh: Internet.
Cho con vận động thể chất
Nhiều người nghĩ rằng người Nhật xưa kia thấp lùn, khốn khổ, bây giờ có sự bứt phá ngoạn mục là “chiêu” khuyến khích lai tạo với người Châu Âu của chính phủ. Nhưng thực ra đó là do chế độ dinh dưỡng sự chú trọng và kiên trì rèn luyện thể lực từ bé ở gia đình lẫn nhà trường.
Từ khi chưa biết đi các mẹ đã cho con công viên chơi ở bãi cát cả ngày, tận hưởng ánh nắng mặt trời không sợ bẩn, không sợ ngã, không ngại trời nắng hay lạnh.
Điều đặc biệt của việc dạy thể chất ở Nhật là: không thi đua, không thành tích, không tính điểm, không khống chế thời gian. Giáo viên chỉ xếp các thang đánh giá: làm được, làm rất tốt, cần cố gắng… Điều quan trong nhất mà người ta dạy học sinh là phải cố gắng hết sức mình, không bao giờ được bỏ cuộc.
Ở Nhật, mùa đông học sinh cũng chỉ mặc áo dài tay, quần cộc hoặc dài, trên đường đi có mặc áo khoác nhưng đến lớp là cất áo để chạy nhảy. Các cô giáo luôn khuyến cáo không cho các con mặc quá ấm, sẽ làm cho người khó vận động, gây sự lười biếng.
Dù phơi nắng cả ngày hay mặc áo quần cộc giữa trời mùa đông lạnh 7 độ, trẻ em ở Nhật cũng không bị ốm do được rèn luyện thể lực thường xuyên từ nhỏ.
Trong nhà trường Nhật có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao dành cho học sinh: ngày chạy marathon dành cho các cấp học, ngày hội thể thao Undo Kai… Ngày hội thể thao là một ngày rất quan trọng, được tổ chức mỗi năm một lần ở các trường học Nhật Bản từ mẫu giáo trở đi.
Theo Thảo Nguyên - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]