Bánh gai là một món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền. Cùng học cách chế biến món bánh thơm ngon, hấp dẫn này.
Nguyên liệu:
Ngày Tết, các gia đình Việt Nam đã quá quen thuộc với món bánh gai thơm ngọt.
- 500g lá gai tươi.
- 500g bột nếp – 100gr bột sắn.
- 300g đậu xanh cà (đậu xanh hật đã làm sạch vỏ và tách làm hai). Bạn cũng có thể mua đỗ xanh nguyên vỏ về rồi tự sơ chế nhé.
- 300g đường trắng.
- 150g dừa khô nạo sợi thật nhỏ.
- 30g mè trắng.
- 100g mỡ gáy heo.
- Dầu ăn.
- Nước hoa bưởi (tùy ý sử dụng hay không). Nhưng nên thêm vào cho bánh được thơm hơn.
- Chuẩn bị ít lá chuối tươi, rọc bỏ cuống, trải phơi cho lá khô úa hoặc cũng có thể sử dụng trực tiếp lá chuối khô nhé, cắt miếng cỡ 20x30cm. Chú ý lá chuối dùng để bọc bánh phải khô thì bánh mới ngon và để được lâu nhé.
- Lạt tre mềm hoặc dây nhựa tương tự dùng để cột.
- Xửng hấp.
Cách làm:
1. Vỏ bánh.
Chọn lá gai tươi, sắc lá xanh đậm, không non không già để chế biến.
- Chọn lá gai tươi, sắc lá xanh đậm, không non không già vì nếu lá non quá thì không đủ bột lá còn già quá thì lại nhiều xơ khó giã cho mịn nhé. Xé lá làm hai, tước bỏ xơ, bỏ sống lá, rửa sạch, luộc cho lá thật mềm nhừ vớt ra, để nguội rồi vẩy cho thật ráo nước.
- Cho vào cối hoặc máy nghiền từng ít một cho đến khi lá nhuyễn mịn. Nên giã thật mịn để sau này thành bánh ăn không bị sợi nhé.
Bột lá gai sau khi luộc chín và giã nhuyễn sẽ thành màu xanh đen rất đẹp mắt nhé.
- Trộn đều bột nếp + bột sắn sau đó trộn đều hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn. Chú ý trộn thật kỹ để vỏ bánh được mịn và đều.
Trộn đều bột nếp + bột sắn sau đó trộn đều hỗn hợp bột với lá gai đã giã mịn.
- Nấu tan 150gr đường với chừng ¼ lít nước, để nguội. Dùng nước đường cho vào từ từ hỗn hợp bột + lá gai, nhào kỹ cho thật mịn bóng và đều, hỗn hợp vừa dẻo là được.
Tùy sở thích mà bạn cho lương đường phù hợp nhé. Tuy nhiên, nếu cho càng nhiều đường thì bánh sẽ để được lâu hơn nhé.
- Mè rang vàng, để nguyên vỏ.
2. Nhân bánh
- Đậu xanh ngâm nước nóng khoảng 2 giờ sau đó cho vào hấp chín, giã nhuyễn làm nhân.
Bánh gai có vị thơm của lá gai, dầu chuối, dẻo của gạo nếp...
- Mỡ gáy heo luộc chín, xắt hạt lựu nhỏ, trộn với khoảng 2 muỗng cà phê đường cát trắng, để chỗ thoáng cho đến khi tan đường, mỡ trở trong thì vớt lấy phần mỡ cho vào làm nhân bánh, bỏ phần nước đường thừa.
- Dừa nạo sợi nhúng qua nước sôi rồi để ráo. Chọn dừa già để cùi dừa được thơm và bùi hơn nhé.
- Trộn đều hỗn hợp đậu xanh, mỡ hạt, dừa nạo với 1 ít đường cho vừa ăn. Có thể cho thêm vài giọt tinh dầu hoa bười cho thơm nhé.
- Trong phần nhân bánh gai có người chỉ làm thuần túy với đậu xanh tán nhuyễn chứ không dùng dừa nạo và mỡ gáy heo nhưng cũng có người chỉ dùng dừa để làm nhân và để làm bánh chay thì họ không dùng mỡ gáy heo.
Ngoài ra, cũng có thể cho trứng vịt muối, hay nhân khác đi cũng được nhé. Vỏ bánh làm từ bột gai ăn rất dẻo và phù hợp với nhiều loại nhân. Bạn có thể làm chiếc bánh gai của mình thêm phong phú tùy theo sở thích.
3. Gói và hấp bánh
- Lau sạch lá chuối khô bằng khăn ướt cho lá dịu xuống và mềm hơn. chuẩn bị ít dầu thực vật, rửa sạch tay rồi xoa tay với ít dầu.
Bánh gai là món được nhiều người yêu thích.
- Véo một chút bột tùy theo kích thước bánh mà bạn định làm, Bạn có thể nặn bánh gai như các loại bánh khác như bánh trôi hay bánh rán…rồi lăn qua với mè rang khi ăn bánh sẽ có mùi thơm và bùi hơn.
- Bạn có thể gói bánh thành hình tròn hoặc dẹp xuống tùy thích. Tuy nhiên, quan trọng là bánh phải được bọc kín trong lá chuối để khi hấp, bánh không bị nhạt.
Bánh gai là món rất ngon với mùi vị ấn tượng.
- Hấp bánh trong xửng nhiều nước và để sôi lớn lửa, xếp thưa bánh và không quá hai chồng bánh để bánh dễ chín đều. Hấp khoảng 30 phút sau khi nước sôi là được. Lấy bánh ra, để bánh ra chỗ thoáng gió cho lá mau ráo khô. Hoặc nếu muốn ăn bánh gai lúc nóng cũng rất ngon nhé.
Muốn để bánh gai được lâu thì bạn nên cho nhiều đường lúc làm vỏ bánh.
Muốn để bánh gai được lâu thì bạn nên cho nhiều đường lúc làm vỏ bánh. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh, khi ăn thì mang ra hấp nóng là thưởng thức được ngay nhé.
Hiện nay, để tiết kiệm thời gian khi làm, nhiều người dùng lá gai khô trộn lẫn gạo nếp và xay thành bột mịn để chế biến. Tuy nhiên, hương vị và màu sắc không thể bằng việc chế biến từ lá gai tươi được.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]