Với góc độ là giáo viên đang giảng dạy THPT, đồng thời trực tiếp làm nhiệm vụ cán bộ coi thi kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, tôi xin được trao đổi một số vấn đề kỳ thi vừa kết thúc.
Những thay đổi phù hợp
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT quyết định giảm từ 6 môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn, đã phần nào giảm áp lực và thời gian thi cử cho học sinh.
Thứ hai, quyết định giảm thời gian thi môn Toán và Văn từ 150 phút xuống 120 phút là phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ ba, về đề thi: đều bám vào những kiến thức rất cơ bản trong chương trình và nội dung sách giáo khoa THPT hiện hành. Ở các môn thi tự luận Văn, Sử, Địa đã có phần kiến thức mở và đề cập đến vấn đề thời sự nóng hổi liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo.
Quyết định giảm thời gian thi môn Toán và Văn từ 150 phút xuống 120 phút là phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Quyết định giảm thời gian thi môn Toán và Văn từ 150 phút xuống 120 phút là phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vẫn buồn và lo
Thứ nhất: Học sinh sẽ học lệch, học tủ bởi kiểu “ứng thi”. Với hai môn thi bắt buộc và hai môn thi tự chọn, cùng với cách xét tốt nghiệp cộng điểm trung bình môn, thì đa số học sinh “thi chơi” cũng đỗ (nếu trượt thì đó là học sinh quá cá biệt). Có thể nói đa số học sinh THPT đều lựa chọn môn thi liên quan đến khối thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Như vậy, các em đã xác định được ba môn thi, khối A: Toán, Lý, Hóa, khối A1: Toán, Lý, Ngoại ngữ. Khối B thi Toán, Hóa, Sinh. Khối D: Toán Văn, Ngoại ngữ. Khối C: Văn, Sử, Địa. Do đó để thi tốt nghiệp các em chỉ cần học thêm một môn nữa là đủ.
Với kiểu học để thi như thế, học sinh thi các môn tự nhiên hầu như không quan tâm đến Lịch sử, Địa lý. Còn học sinh thi các môn xã hội thì không biết gì về Vật lý, Hóa học, Sinh học… Bằng chứng cụ thể nhất là đề Văn năm nay rất đổi mới, câu hỏi có ý mở mang tính thời sự, tính lịch sử sâu sắc, nhưng nhiều học sinh ngồi không biết viết gì. Vì không quan tâm đến lịch sử, không nghe thời sự, không có khả năng nói lên chính kiến của mình.
Bộ GD-ĐT có thể cho thí sinh tự chọn môn thi, nhưng đó là chọn trong hai khối bắt buộc là Tự nhiên (Lý – Hóa – Sinh) và Xã hội (Sử – Địa – Ngoại ngữ). Hoặc là có thể chỉ công bố môn thi trước một tháng
Thứ hai: Đổi mới chưa đồng bộ dẫn đến sự tốn kém và lãng phí. Cách thức đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT chưa phù hợp với sự phát triển toàn diện của học sinh. Không thi – không học, đó là quy luật nhận thức tự nhiên. Giảm áp lực thi cử, đó là cần thiết, nhưng cần phải đổi mới trong cách kiểm tra đánh giá để người học nhận thức được thi là kết quả đánh giá trung thực trong quá trình học tập và rèn luyện.
Theo khảo sát từ khâu ra đề, in danh sách dự thi và các ấn phẩm khác liên quan đến kỳ thi, đến khâu coi thi, chấm thi đã gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mà hiệu quả giáo dục mang lại chưa ai dám khẳng định được sẽ tốt hơn, khách quan hơn, trung thực hơn. Với cách đổi mới tổ chức thi như vậy, phải có đủ tất cả các môn cùng ra đề, số lượng ấn phẩm danh sách thi cũng phải chia ra nhiều phòng, in nhiều bản hơn.
Trong cả một Hội đồng coi thi, chỉ coi 1 thí sinh thi môn Lịch sử nhưng vẫn phải duy trì đầy đủ danh sách lãnh đạo coi thi, thư ký, cán bộ coi thi ở trong và ngoài phòng thi, bảo vệ thi, phục vụ thi đông tới hàng chục người. Số giám thị không lên phòng thi, phải ngồi mệt mỏi trong phòng họp chờ đợi thí sinh thi xong mới được về (số đông này rơi vào môn thi Lịch sử). Còn thí sinh, trời nắng nóng của mùa hè cũng mệt mỏi chờ đợi môn thi của mình (thí sinh thi Lịch sử, Địa lý).
Thứ ba: Tình trạng học sinh xem nhẹ môn Lịch sử. Có khi cả một thành phố lớn chỉ có 1 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Đành rằng, không thi môn Lịch sử là sự lựa chọn “khôn ngoan” của các thí sinh, nhưng đó là sự báo động về tinh thần học Sử.
Không thi Sử – không học Sử, đó là chuyện đương nhiên. Đến giờ học Lịch Sử, học sinh học theo kiểu đối phó, thờ ơ, mơ màng… Điều này không thể đổ lỗi tất cả cho các em được, trong thời đại kinh tế thị trường các em phải tính toán lựa chọn để đạt được kết quả tối ưu nhất. Trách nhiệm thuộc về ai?.
Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến phản biện của các giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội để đưa ra và lựa chọn được phương án tốt nhất cho năm học năm sau có thể áp dụng một cách ổn định. Phải sớm công bố phương án thi cho học sinh, tránh tình trạng đưa ra một quyết định gây nên sự lúng túng khi học sinh chưa chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và kiến thức.
Mục đích là thi cử phải nhẹ nhàng, nhưng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ”. Đổi mới giáo dục là một quá trình nhưng phải thận trọng và chủ động. Đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm đổi mới đến chương trình và nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học đến đối mới khâu kiểm tra, đánh giá và khâu cuối cùng mang tính quyết định là cách thức tổ chức thi và ra đề thi, chấm thi.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]