Bài học về phụ nữ mang thai trong sách Khoa học lớp 5.
Cụ thể, trong sách khoa học lớp 5, Bài 5 có viết: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe? (tr12) của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nội dung dạy trẻ về việc phụ nữ có thai nên làm gì?
Phụ nữ có thai cần:
- Ăn uống đủ chất.
- Không dùng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu, ma túy...
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tinh thần thoải mái.
- Tránh lao động nặng, tránh tiếp xúc với chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...
- Đi khám thai định kỳ ba tháng một lần.
- Tiêm văcxin phòng bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho hay, nội dung này nằm trong đề cương ôn tập yêu cầu phải học thuộc lòng mà cô phát cho con mình. Phụ huynh bày tỏ, việc phổ biến những kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các con ở vào thời điểm này là hợp lý.
Tuy nhiên, việc bắt các em học thuộc lòng những điều này là việc hết sức máy móc và không hiểu nếu như học sinh không thể học thuộc thì sẽ được nhận những lời phê như thế nào? Hơn nữa, có lẽ chỉ nên giúp trẻ nắm được những kiến thức cơ bản dưới học độ sinh học chứ không cần thiết phải để các em tiếp cận ở góc độ như một bà bầu.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên, bà Bùi Phương Nga - Chủ biên cuốn sách Khoa học lớp 5 hiện hành cho biết, đây là kiến thức trong môn khoa học, mà môn khoa học được xây dựng theo quan điểm tích hợp, không chỉ cung cấp kiến thức khoa học mà còn hình thành kỹ năng sống, giúp cho học sinh biết quan tâm tới mọi người.
“Bây giờ ít con, ở nhà tất cả bố mẹ, ông bà nội, anh em quan tâm nó phải có nghĩa vụ với người xung quanh trước hết là đối với mẹ. Như vậy, ý nghĩa của một bài đó, không phải đến lúc có bầu mới nghĩ đến. Nó là kiến thức phổ thông, nó giáo dục cho học sinh rất nhiều”, bà Nga cho hay.
Bà Nga lý giải thêm rằng, đây là một bài học nằm trong loạt bài với chủ đề Con người và sức khỏe bao gồm 3 mạch kiến thức: Sự sinh sản và phát triển của cơ thể người; vệ sinh phòng bệnh; an toàn trong cuộc sống.
Khi học về những kiến thức này, không phải chỉ có giáo viên thuyết trình trên lớp mà còn yêu cầu học sinh nhìn vào 4 bức tranh để phát hiện kiến thức.
Cấu trúc của bài 5 có hai phần, một phần là cần làm gì để bảo vệ bà mẹ và trẻ em - gồm có hai nội dung bản thân bà mẹ thì phải biết tự bảo vệ mình sau đó những người xung quanh phải hỗ trợ mẹ.
Theo bà Nga, đây còn là kiến thức xuất phát từ Quyền Trẻ em: “Việt Nam đã ký quyền công ước trẻ em từ rất lâu rồi, Việt Nam là nước ký sớm trên thế giới. Trong đó có 4 nhóm quyền, là nhóm quyền bảo vệ, nhóm quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được tham gia. Trong bài này, tích hợp giáo dục rất rõ, nếu trẻ con được bảo vệ thì bà mẹ biết cách chăm sóc, từ lúc nó sống trong bụng mẹ nó đã có quyền sống còn.
Quyền được bảo vệ, thì rõ ràng là người phụ nữ có thai cần được bảo vệ cả bà mẹ và trẻ em. Ai là người bảo vệ họ? Trước hết họ phải tự bảo vệ mình, điều này nằm ở trang đầu tiên. Cái thứ 2 nữa là những người xung quanh phải bảo vệ họ. Mà những người xung quanh ở đây là gia đình và các thành viên ở trong gia đình. Từ những phân tích trên tôi thấy nội dung trên hoàn toàn phù hợp và ý nghĩa giáo dục, nhân văn của nó là như thế”.
Đối với chuyện giáo viên cho học sinh học thuộc lòng, bà Nga cho rằng cũng không nên quá phê phán giáo viên, đây là vấn đề về phương pháp giảng dạy. Không chỉ với bài này mà với những bài khác cũng vậy, nếu như ép các em học thuộc lòng thì thực là máy móc.
Trong sách giáo viên, bài hướng dẫn rất rõ về phương pháp giảng dạy nội dung này. Yêu cầu của Bộ cũng quy định rõ, chỉ yêu cầu học sinh nêu được nên và không nên chăm sóc người mẹ, có hai vế của vấn đề, nhưng mục đích cuối cùng cũng chỉ yêu cầu học sinh biết cách chăm sóc người mẹ.
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]