Theo đại diện Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, chỉ có 1% học sinh chọn các tiếng Trung, tiếng Nga, Hàn Quốc, Nhật, Đức… làm ngoại ngữ 1. Số lượng học sinh đó đa phần tập trung ở nơi có điều kiện kinh tế và nhu cầu học ngoại ngữ cao.
Chỉ 1% học sinh chọn học tiếng Nga, Trung...
Cụ thể, với sự lựa chọn tiếng Đức là ngoại ngữ 1, Hà Nội có 218 học sinh; TP.HCM có 130 học sinh...
Tiếng Nga được dạy tại 10 tỉnh (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) với số lượng khoảng 1.200 học sinh.
Môn tiếng Trung được dạy tại 9 tỉnh, 28 trường THCS và 18 trường THPT với khoảng 12.000 HS, chủ yếu là học sinh chọn làm Ngoại ngữ 1.
Môn tiếng Nhật được dạy tại 7 tỉnh, 32 trường với khoảng 25.000 học sinh, bao gồm học sinh chọn làm Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2.
Trong khi đó, theo Vụ cho biết, nhiều địa phương vẫn tập trung nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh. Đối với học sinh theo học chương trình 10 năm (theo Đề án 2020), chất lượng được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là về năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Đối với việc dạy và học môn tiếng Pháp cũng tiếp tục được duy trì ổn định và nâng cao chất lượng.
Được biết trước đó, vấn đề bổ sung tiếng Trung, Nga… vào làm ngôn ngữ bắt buộc, giảng dạy trong nhà trường cũng đã nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các nhà chuyên môn.
Cho rằng không nên bắt buộc học sinh phải học cả tiếng Trung hay tiếng Nga, Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ: “Nếu thêm một vài ngoại ngữ khác vào trường phổ thông, và quy định tiếng Anh là bắt buộc, còn các thứ tiếng khác là tự chọn thì đương nhiên học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc.
Nhìn lại trong 30 năm vừa qua, chúng ta chỉ phát triển một ngoại ngữ và học sinh cũng chỉ học một ngoại ngữ vậy mà kết quả cho đến nay vẫn rất thấp. Thậm chí, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua có có tới 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.
Như vậy trong giai đoạn hiện nay, nếu bắt buộc học sinh phải học hai thứ tiếng một lúc thì sẽ là gánh nặng đè lên vai học sinh và phụ huynh”.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đại Cồ Việt (Giảng viên ĐHQG Hà Nội) lại cho rằng: “Về quan điểm thì tôi tán thành. Tôi nói "tôi tán thành", thì hẳn sẽ có người phẩy tay, ông ấy dạy tiếng Trung mà. Tôi phải nói rõ tại sao tôi tán thành: Tôi tôn trọng quyền được lựa chọn.
Học sinh có quyền lựa chọn ngoại ngữ họ muốn. Họ có bắt buộc phải học tiếng Trung hay tiếng Nga đâu! Họ còn có thể chọn tiếng Anh, tiếng Pháp cơ mà. Cho nên, theo tôi tăng thêm nhiều lựa chọn, chỉ có lợi chứ không có hại.
Tôi ví dụ, các tỉnh phía Bắc giáp với Trung Quốc, người dân họ có nhu cầu học tiếng Trung, để giao tiếp buôn bán với Trung Quốc, tại sao lại chỉ cho con em họ học tiếng Anh?”.
TS. Nguyễn Đại Cồ Việt.
Qua đó, công chúng có thể thấy, dù đã đưa ra bàn luận và thử nghiệm từ giữa năm 2016, nhưng việc đưa tiếng Trung, Nga,… vào dạy trong trường học vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của học sinh và phụ huynh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]