Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Anh
Theo đó, Thủ tướng ghi nhận những đổi thay của giáo dục quốc gia trong năm 2016, trong đó có việc triển khai toàn diện đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng mở, khơi gợi tư duy, sáng tạo...
Thủ tướng cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã giảm được sức ép lớn trong dư luận nhờ khắc phục những bất cập của năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt những điểm yếu của giáo dục quốc gia vẫn còn tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Vấn đề đầu tiên được Thủ tướng nhấn mạnh là giáo dục đạo đức cho học sinh. “Tiên học lễ, hậu học văn, nhưng hiện nay đạo đức học sinh đang có nhiều vấn đề đáng phải bàn, trong đó có vấn nạn bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên còn nhiều” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, học sinh hiện nay còn thiếu kỹ năng mềm, hạn chế về ngoại ngữ. Về giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp còn chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thất nghiệp hàng năm lên tới con số hàng trăm ngàn, trong khi đó doanh nghiệp vẫn kêu thiếu lao động có tay nghề.
“Chất lượng đào tạo đại học còn nhiều bất cập, nội dung giảng dạy chưa gắn với nhu cầu thị trường. Nước ta là nước có nền nông, lâm nghiệp phát triển nhưng kỹ sư nông, lâm nghiệp lại rất hiếm, trong khi ngân hàng, tài chính, kế toán... lại được đào tạo quá nhiều. Hiện nay, mỗi năm nước ta chi trên 3 tỷ USD cho con em ra nước ngoài học tập. Trong khi đó, đào tạo sau đại học chất lượng đáng lo ngại hơn. Nước ta có quá nhiều tiến sĩ nhưng thiếu công trình khoa học có giá trị, hiện tượng sính bằng cấp, bệnh thành tích còn phổ biến. Chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề này” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng thừa nhận rằng, hiện nay người dân vẫn còn nhiều lo lắng, căng thẳng về việc học hành của con em. Điều kiện các trường học, thư viện, nhà vệ sinh nhiều nơi còn thiếu thốn, khu công nghiệp thiếu nhà trẻ, vấn đề học thêm, dạy thêm chưa khắc phục được.
Góp ý tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, ngành giáo dục nước nhà đang trong quá trình đổi mới theo hướng căn bản và toàn diện, chính vì vậy những bước trung gian không thể toàn vẹn ngay được.
“Như việc thi cử, từ năm 2015 ta đã giảm từ 4 kỳ thi xuống còn 1 kỳ thi, tổ chức từ 50% tỉnh, thành cả nước đến tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành. Tuy vậy, đây mới chỉ là những bước trung gian để hướng tới việc phổ thông là của địa phương, tuyển sinh là của các trường ĐH chứ không thi chung nữa. Nhưng, từ nay đến cái đích ấy, giáo dục vẫn còn phải đổi mới” - ông Đam nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]