Trao đổi về việc dạy học tích hợp cũng như đổi mới nội dung, chương trình SGK phổ thông, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã thẳng thắn chỉ ra thực tế: Học sinh càng học càng mất tự tin. Bậc tiểu học học sinh còn giơ tay phát biểu, đến THCS ít phát biểu hơn, đến THPT thì rất ít. Tức là giáo dục của chúng ta đang làm cho học sinh càng học càng có kiến thức, kỹ năng nhưng năng lực không phát triển.
Ảnh minh họa
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát triển hài hòa đức trí thể mỹ, đồng thời phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Chương trình tương ứng với hai giai đoạn: Giai đoạn cơ bản tương ứng với tiểu học và THCS: học sinh được trang bị kiến thức nền tảng, tạo điều kiện phân luồng sau THCS; Gia đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tức là dạy phù hợp với đặc điểm riêng của từng em, tạo điều kiện cho giáo dục sau THPT có chất lượng hơn.
Bậc THPT sẽ thiết kế một số môn bắt buộc, một số môn tự chọn, còn lại là những chuyên đề tự chọn. Điều này yêu cầu giáo viên phải tăng cường dạy học tích hợp nhằm dạy cho học sinh có kiến thức tổng hợp và biết vận dụng kiến thức đó một cách linh hoạt.
Bày tỏ lo lắng về yêu cầu đẩy mạnh tích hợp liên môn hiện nay, ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Giáo viên hiện nay phải tích hợp quá nhiều nội dung, chủ đề trong một môn học. Trong đó, nhiều nội dung chỉ thực hiện cho có, nếu không có sự tổng hợp lại sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn khẳng định, chương trình liên môn, tích hợp hiện nay không hề khó về nội dung. Lý do khiến giáo viên chưa thực hiện tốt là do thiếu hướng dẫn phương pháp phù hợp. Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành hướng dẫn chung cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động thực hiện trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhìn nhận, thiết kế chương trình SGK hiện nay đang bó chân sự sáng tạo của giáo viên. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ thực hiện theo hướng giao quyền chủ động nhiều hơn cho nhà trường, giáo viên có thể lồng ghép dạy học tích hợp, liên môn vào những vấn đề thực tế, gần gũi trong cuộc sống.
Một trong những hạn chế của chương trình giáo dục hiện nay là dạy các môn kỹ năng sống, đạo đức quá nặng về lý thuyết, hỏi gì học sinh cũng biết nhưng ra đời không áp dụng được. Do đó, ngoài các yêu cầu về kiểm tra kiến thức, kỹ năng, sắp tới phương pháp kiểm tra, đánh giá sẽ thay đổi theo hướng chú ý nhiều hơn phẩm chất, năng lực của người học.
Trong đó kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá cuối kỳ, đánh giá không nhằm xếp hạng, phân loại học sinh mà nhằm đánh giá cả quá trình dạy học, khuyến khích sự tiến bộ của người học.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]