Đổi mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp đang phát huy tính tích cực tại các địa phương
Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Theo đánh giá chung, cách ra đề thi năm nay của các Sở GD&ĐT tiếp tục theo hướng đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo năng lực HS.
Ngoài việc đề ra sát chương trình học cơ bản, đặc biệt còn có nội dung mở, mang tính phân loại học lực HS rõ ràng.
Đề thi bám sát chương trình, có tính phân loại
Có thể thấy, HS Thủ đô Hà Nội chịu áp lực nhiều nhất để có được một suất vào lớp 10 THPT công lập khi so với các tỉnh thành khác trong cả nước.
Vì lẽ, trong tổng số gần 80.000 thí sinh dự thi chỉ có khoảng 50.000 thí sinh đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập. Số còn lại, chiếm khoảng 35% là vào học trung tâm GDTX, trường ngoài công lập... Trong khi các tỉnh thành khác, tỉ lệ này khoảng 15 - 20%.
Tuy nhiên, sau khi làm bài thi xong, HS lớp 9 THCS của Hà Nội lại thực sự phấn khởi và tự tin bởi cách ra đề thi năm nay bám sát chương trình học.
Theo đánh giá của GV cũng như phần lớn HS, phụ huynh cả đề Toán, Ngữ văn cơ bản nằm trong chương trình đã học.
Theo cô Lê Thủy, GV Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: Cách ra đề Văn của Sở GD&ĐT Hà Nội năm nay bám sát chương trình. Do đó, đã tạo tâm lý chung cho HS và phụ huynh là “làm được bài”.
HS có học lực khá, chăm học rất dễ kiếm đượcđiểm 7 - 8. Bởi phần câu hỏi mở chiếm một phần điểm nhỏ. Trong khi đó, với môn Toán cũng vậy, chỉ có 2 phần cuối cùng c và d là phần mở.
Nguyễn Quang Huy, HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy cho biết: Các thầy cô ở trường ôn tập kỹ cho chúng con các tác giả, tác phẩm văn học cũng như kiến thức cơ bản, luyện các dạng đề Toán thi vào 10.
Đặc biệt, quá trình ôn thi vào 10 cho HS tại trường, sau kết thúc mỗi tuần học ôn thi nhà trường lại tổ chức cho HS toàn khối thi thử. Nhờ giải pháp đó HS vừa nắm chắc kiến thức, được bổ sung các phần kiến thức hổng, ôn đi ôn lại, đặc biệt là tự tin, bản lĩnh bước vào kỳ thi. Ước tính, tổng điểm hai môn thi của Huy đạt khoảng 16,5.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh khẳng định, Kỳ thi tuyển năm nay cũng có một cho thí sinh. Năm nay, do kỳ thi diễn ra sớm hơn so với mọi năm nên Sở đã chỉ đạo rất kỹ về nội dung đề thi, trên cơ sở phải đảm bảo mức độ phù hợp, không đánh đố HS nhưng vẫn phải có tính phân loại tốt. Sở đã lựa chọn các đồng chí cán bộ, GV có năng lực, có kinh nghiệm tham gia công tác ra đề thi.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, vài năm gần đây, Sở thay đổi dần cách ra đề thi theo hướng đổi mới để kiểm tra, đánh giá năng lực cảm thụ văn chương, khả năng tư duy và vận dụng kiến thức của người học, hướng đến mục tiêu tránh học tủ, học vẹt và thay đổi phương pháp giảng dạy
Ngoài ra, đề thi các môn đều có kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Riêng môn Tiếng Anh sẽ hướng đến kiểm tra đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.
Thực tế, tại TPHCM, thí sinh rất hào hứng với câu nghị luận xã hội về lối sống vô cảm của giới trẻ hiện nay trong đề thi Văn vào lớp 10. Theo đánh giá của đa số GV bộ môn Ngữ văn, cách ra đề thi hay, gắn với hơi thở cuộc sống và mang tính giáo dục cao, giúp HS phát huy được năng lực viết văn và năng lực cảm thụ.
Các thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2015 - 2016 ở Đồng Nai cho rằng đề Toán năm nay được đánh giá không quá khó, chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản là có thể làm được 6, 7 điểm.
Xã hội đồng tình
Những năm gần đây, không chỉ riêng TPHCM mà nhiều Sở đang rất “mạnh tay” trong việc đổi mới đề thi môn Văn theo hướng mở. Điều này không chỉ giúp HS, thầy cô tránh luyện tủ, học tủ mà hơn hết giúp thầy trò thật sự phấn chấn, có thể thăng hoa với môn Văn.
Điều quan trọng hơn cả là cách ra đề mở, mang tính phân loại, đề Văn gắn với thực tiễn, vấn đề xã hội được xã hội đánh giá, nhìn nhận, đồng tình hưởng ứng.
Năm nay toàn tỉnh Nghệ An có hơn 34.000 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường công lập, trong đó chỉ tiêu là gần 32.780.
Ở phần thi Văn, phần lớn thí sinh cho biết đề không quá khó, không đánh đố, nhưng để có điểm khá trở lên đòi hỏi phải có kiến thức rộng. Trong đó câu số 2 được đánh giá là khó nhưng khá hay:
“Từ nội dung hai câu thơ “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”, em hãy viết một bài văn khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của mình về nghĩa tình quê hương đối với mỗi con người”.
Điều quan trọng là chính cách đổi mới đề thi đã làm thay đổi cả cách dạy của GV cũng như cách học của HS. Nói đến đề Văn mở không còn là chuyện xa lạ với bản thân các em HS mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng nhập cuộc mạnh mẽ.
Chị Ngọc Lan (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết: Mấy năm gần đây theo dõi thấy đề thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi ĐH đều có dạng đề mở nghị luận xã hội nên cứ đến chương trình chuyển động 24 giờ hoặc bản tin thời sự hàng ngày lúc 19 giờ chị đều cùng con trai học lớp 9 xem thời sự.
Nếu vấn đề hay, sau khi xem xong chị đặt câu hỏi tình huống cho con, xem con giải quyết như thế nào.
Có thể thấy, cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, TP HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác những năm qua khá hay, đề phân loại được thí sinh và phù hợp với một cuộc thi mà mang tính chất cạnh tranh khốc liệt.
Với đề thi này sẽ tránh được tình trạng học tủ, học lệch của HS, cách dạy truyền thụ một chiều của GV.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]