Những con số, những phân tích khách quan cho thấy dấu ấn quan trọng của khâu đột phá trong đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá tạo nhiều niềm tin, hy vọng vào những thành công tiếp theo trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Giảm áp lực và tốn kém
So với kì thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ những năm trước, chi phí cho kì thi THPT quốc gia 2015 giảm nhiều. Điều này dễ dàng nhận thấy bởi nhiều đợt thi nay chỉ dồn vào một.
Bên cạnh đó, trước đây, kỳ thi được tổ chức tại nhiều trường ĐH, CĐ, nay chỉ diễn ra ở 38 trường đại học chủ trì cụm thi; thời gian thi từ con số tối đa 9 ngày giảm xuống còn tối đa 4 ngày.
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, thay cho việc phải đến một số thành phố lớn, các thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận. Đây cũng là nhân tố giúp giảm không ít tốn kém.
Áp lực thi cũng giảm nhiều bởi trước đây thí sinh phải thi từ 7 đến 13 lượt môn thi, thì nay chỉ phải dự thi từ 4 môn đến 8 môn. Trên thực tế, thí sinh đăng ký phổ biến nhất là 4 hoặc 5 môn thi.
Việc phân thành hai loại cụm thi (để xét tốt nghiệp và vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh CĐ-ĐH) ngay trong một kỳ thi khắc phục được tình trạng một thí sinh ĐKDT ở nhiều trường, nhiều đợt, tạo ra số lượng lớn thí sinh “ảo”, gây khó khăn, lãng phí trong công tác chuẩn bị và tổ chức thi tuyển sinh.
Đánh giá đúng năng lực học sinh, đảm bảo độ trung thực, tin cậy
Thành công này được biểu hiện rõ nét ở công tác đề thi và kết quả tốt nghiệp năm 2015. Đề thi THPT quốc gia 2015 được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời;hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện.
Điều đó dẫn đến kết quả phổ điểm các môn thi có sự phân hoá rõ nét. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy, đa số bài thi ở mức điểm trung bình (chủ yếu nằm ở dải điểm từ 4,25 đến 7, chiếm 53,83%), bài có điểm thấp và cao hơn ít dần, số học sinh đạt điểm cao và 10 ít hơn so với các năm trước (0,93% bài thi đạt từ 0 đến 1 điểm; 3,51% bài thi từ 8,25 đến 10 điểm). Con số này chứng tỏ, điểm thi phù hợp với năng lực thí sinh, đề thi có độ phân hoá cao và công tác coi thi, chấm thi trung thực, tin cậy.
Kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, có độ tin cậy cao còn thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn giáo dục thường xuyên; các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Tỷ lệ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn so với miền núi. Tỷ lệ tốt nghiệp ở cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn ở cụm thi tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì.
Hạn chế dạy học thêm, góp phần thực hiện phân luồng
Việc đổi mới ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, nội dung thuộc chương trình phổ thông đã làm giảm hẳn tình trạng dạy thêm, học thêm; số lượng học sinh ở nông thôn đổ về thành phố lớn để luyện thi cấp tốc giảm rất nhiều. Hiện tượng in sao và bán “phao thi”hầu như không còn. Hiện tượng thí sinh sử dụng “phao thi” giảm hẳn.
Có thể nói, cách đổi mới ra đề thi cùng với việc tổ chức thi nghiêm túc đã hạn chế tiêu cực, tăng tính khách quan của kì thi THPT quốc gia, được xã hội tin tưởng và đồng thuận cao.
Ngoài hạn chế vi phạm dạy học thêm, việc tổ chức đồng thời cụm thi tại tỉnh và liên tỉnh, đáp ứng mục đích dự thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THPT. Các thí sinh đều phải cân nhắc, lựa chọn cụm thi, đồng thời cũng là lựa chọn con đường lập nghiệp sau này, không còn tình trạng thí sinh có học lực yếu nhưng vẫn ĐKDT tuyển sinh CĐ, ĐH để thỏa mãn tâm lý khoa cử và trông chờ ở sự may rủi như những năm trước.
Tạo tiền đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Một trong những kết quả quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc sử dụng kết quả 4 môn thi kết hợp với kết quả học tập các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT góp phần khắc phục tình trạng học lệch, phù hợp với tinh thần giáo dục toàn diện trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Đề thi tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng gắn với thực tiễn đời sống, theo hướng đánh giá năng lực góp phần thay đổi nhận thức, hành động học tập của học sinh theo hướng từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện; đồng thời thay đổi nhận thức, nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá của giáo viên. Đây là tiền đề để xây dựng và thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong thời gian tới.
Tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh các vùng, miền
Kỳ thi THPT quốc gia thực hiện tổ chức thi theo cụm ở tất cả các vùng và cho thí sinh ĐKXT vào ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cùng với đổi mới cách ra đề thi đã giúp học sinh không nhất thiết phải "luyện thi" mới làm bài được, tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh ở các vùng, miền trên toàn quốc.
Nếu trước đây, đa số thí sinh ở vùng khó khăn lo lắng, không dám ĐKDT vào các trường ĐH tốp trên, thì việc "thi trước, tuyển sau" như năm nay góp phần tạo thêm sự tự tin, giúp học sinh vùng khó nhưng học tốt có cơ hội vào học ở những trường tốt, phù hợp với mức điểm đã đạt được. Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ cũng cạnh tranh lành mạnh để thu hút các học sinh giỏi, tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các vùng miền.
Làm cơ sở tin cậy cho tuyển sinh CĐ, ĐH
Sau hai đợt xét tuyển, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và 194 trường có đề án tự chủ tuyển sinh (trong đó, nhiều trường kết hợp giữa xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia với xét tuyển theo học bạ), số thí sinh trúng tuyển và số trường tuyển được đủ chỉ tiêu nhiều hơn so với năm trước.
Cụ thể đã có 554.953 thí sinh được xét trúng tuyển, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra; trong đó, hệ ĐH tuyển được 415.870 đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu. Năm 2014, các trường tuyển được 505.000 sinh viên, đạt 78,9% chỉ tiêu; trong đó có 348.000 sinh viên ĐH, đạt 94% và 157.000 sinh viên CĐ, đạt 58,1%. Điều đó cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ĐKXT vào ĐH, CĐ, đồng thời các trường dễ dàng hơn trong công tác tuyển sinh.
Điểm trúng tuyển của các trường ĐH, CĐ cũng thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. Trong tất cả các nhóm trường ĐH và CĐ, dù điểm tuyển cao, trung bình hay thấp thì đều có một số trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1. Một số trường ĐH ngoài công lập có uy tín cũng đã tuyển được tỷ lệ khá cao ngay đợt đầu tiên.
Xét theo khối ngành, các trường khối Công an, Quân đội, Y dược, Luật có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành Kỹ thuật, Kinh tế, Sư phạm và Tài chính - Ngân hàng. Nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư và công nghệ khó tuyển hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển, những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… vẫn có kết quả tuyển cao.
Có thể nói, kết quả tuyển sinh tốt hơn năm trước phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường và xu hướng chọn ngành. Cơ chế thi trước tuyển sau đã khắc phục được cơ bản hiện tượng thí sinh có điểm cao mà vẫn trượt ĐH, CĐ như những năm trước; bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong hệ thống các trường ĐH, CĐ.
Những kết quả như trên, có thể tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, với kinh nghiệm từ những thành công và hạn chế trong việc tổ chức kỳ thi đổi mới đầu tiên năm 2015, sự chung tay, góp sức của các bộ, ban, ngành, các địa phương và toàn xã hội; với sự quyết tâm đổi mới của ngành GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia những năm sau nói riêng, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐTnói chung theo tinh thần Nghị quyết 29 sẽ được thực hiện thành công.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Những con số 38: Số cụm thi do các trường ĐH chủ trì 61: Số cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. 276.796: Số thí sinh thi tại cụm thi địa phương. 728.830: Số thí sinh thi tại cụm thi ĐH 878.198: Số thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT 91,71%: Tỷ lệ tốt nghiệp chung năm 2015 93,57%: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giáo dục THPT 69,92%: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên 95,68%: Tỷ lệ tốt nghiệp vùng cao nhất - Đồng bằng sông Hồng 86,8%: Tỷ lệ tốt nghiệp vùng thấp nhất (Nam Trung bộ và Tây Nguyên) 94,9 %: Tỷ lệ tốt nghiệp tại cụm thi do trường ĐH chủ trì 84,91%: Tỷ lệ tốt nghiệp do địa phương chủ trì |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]