Toàn cảnh hội thảo
Nhiệm vụ cấp thiết cho các trường sư phạm
Phát biểu đề dẫn PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLCSGD đã nêu bật nhiệm vụ quan trọng của đổi mới GDĐT theo tinh thần Nghị quyết Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, và các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chương trình nhằm tạo ra sự đổi mới “căn bản, toàn diện” trong GDĐH và GDPT.
Các chương trình này đều có sự tham gia của nhiều trường ĐH, CĐ và khoa Sư phạm trên toàn quốc. Một trong những kết luận được rút ra từ các cuộc hội thảo là: Đổi mới GD phải được bắt đầu từ các trường sư phạm. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và số lượng.
Đặc biệt chú trọng tăng cường và phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; bổ sung kịp thời các kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới, giúp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dụcđáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, cần làm ngay của các trường sư phạm.
Trong nhiều năm qua, các trường, khoa sư phạm đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong việc đào tạo và bồi dưỡng lực lượng nhà giáo cho ngành sư phạm nói riêng và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành nghề khác trong hệ thống kinh tế quốc dân.
Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các trường sư phạm đã có những tiến bộ cùng với quá trình đổi mới quản lí GDĐH; đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý GD có phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản, đủ về số lượng, chuẩn hoá và nâng chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, trước những yêu cầu mới về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, hệ thống các trường/khoa sư phạm đang đối mặt với một số thách thức, hay nói đúng hơn là các bài toán cần giải quyết để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho ngành GD.
Từ thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho các trường sư phạm lúc này là phải có đủ năng lực, đủ điều kiện để có thể đào tạo và bồi dưỡng được đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, đạt các yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp GV và CBQLGD và có thể hành nghề tốt. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, hơn 40 báo cáo tham luận do các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục uy tín ở các trường sư phạm trên cả nước gửi đến Hội thảo.
Bồi dưỡng để GV biết dạy học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực trong điều kiện mới của đổi mới
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo
Phải đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học từ nặng về truyền dạy một chiều sang phát huy tính chủ động sáng tạo rèn luyện phương pháp dạy học. Từ hình thức chủ yếu là dạy học trên lớp sang coi trọng hơn tổ chức hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Cũng phải đổi mới cả cách thức kiểm tra đánh giá chuyển từ đánh giá kiến thức chủ yếu là kiến thức học thuộc sang đánh giá được năng lực, đặc biệt là phát huy đánh giá cũng phải góp phần hình thành chất lương, năng lực của người học.
"Nhìn lại giáo dục phổ thông, đội ngũ GV hiện nay là cơ bản đã đủ. Điều cần thiết hiện nay là nâng cao năng lực của đội ngũ GV là sứ mệnh của các trường sư phạm. Đội ngũ GV phổ thông hiện nay được đào tạo theo hướng cũ là tiếp thu kiến thức chứ khôg phải là phát triển năng lực nghiệp vụ sư phạm. Họ ra trường dạy cũng theo hướng truyền đạt kiến thức cho học sinh không phải hướng đến cái đích phát triển năng lực học sinh.
Vấn đề đặt ra là phải bồi dưỡng để họ trở thành những người có năng lực về giáo dục nói chung năng lực dạy học nói riêng; biết dạy học sinh phát huy được phẩm chất năng lực trong điều kiện mới của đổi mới - Thứ trưởng phân tích.
Với cán bộ quản lý của các trường phổ thông, theo Thứ trưởng, cần nâng cao năng lực quản lý: Có tầm nhìn, biết sắp xếp tổ chức nhà trường phát triển, không phải chỉ tuân theo mệnh lệnh của cấp trên mà phải có đường hướng phát triển riêng phù hợp với sứ mạng trường đó; phải đảm bảo trường phổ thông đó phát triển bền vững không phải vì mục tiêu trước mắt không phải vì tuân thủ quy định của cấp trên.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề cập tới tinh thần trách nhiệm chung giữa trường sư phạm và trường phổ thông khi cho rằng các trường chưa hết trách nhiệm. Nhiều trường phổ thông khi nhận sinh viên về thực tập thì nhận xét đều tốt đẹp cả, nhưng những đánh giá đó là không thực chất.
"Lâu nay ta chỉ coi sư phạm giữ vai trò và có trách nhiệm với việc đào tạo thôi việc bồi dưỡng lại ít quan tâm. Ngược lại, đối với cơ sở phổ thông lo bồi dưỡng giáo viên rất tốt nhưng lại không lo đến việc đào tạo sinh viên. Bây giờ phải thêm một chiều nữa là phổ thông phải đóng góp vào việc đào tạo sư phạm, phổ thông phải là nơi thực hành thực tập thật tốt cho sinh viên sư phạm" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
"Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên vào cuộc trong việc bồi dưỡng GV. TTGDTX phải hỗ trợ việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm rồi thì rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh sinh viên. TTGDTX phải là cái nơi truyền đạt những thông tin cho cả ngành GD đến toàn dân và trở thành nơi để người dân cần gì học nấy. TTGDTX phải tìm việc mà làm chứ không phải chờ giao việc mới làm" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]