Tuy nhiên, việc áp dụng đổi mới ở cuối cấp tiểu học đang gặp những cản trở về tâm lý khi khoảng hụt hẫng của học sinh chuyển cấp THCS đang ở trước mắt.
Năm học này, cả nước đã thí điểm triển khai tiếp mô hình VNEN ở 1.600 trường THCS. Ngoài ra một số địa phương cũng chủ động mở rộng mô hình này ở các trường THCS, nơi tiếp nhận học sinh đã học mô hình này ở bậc tiểu học nhằm tránh để học sinh có những hụt hẫng khi chuyển cấp.
Nhưng với đặc thù của cấp học, mô hình VNEN áp dụng y nguyên như tiểu học liệu có thích hợp không?
Tự tin là phẩm chất của nhiều học sinh lớp 6 sau khi học mô hình VNEN ở tiểu học. Trong ảnh: chủ tịch hội đồng tự quản ở một lớp 6 Trường Tân Thông Hội, Củ Chi điều hành hoạt động tại lớp. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Nên hay không tiếp tục ở bậc THCS?
Khác với tiểu học, 13 môn học ở THCS có 13 giáo viên khác nhau đảm nhiệm. Dung lượng kiến thức theo chương trình hiện hành cũng như yêu cầu đánh giá học sinh ở bậc THCS được đánh giá là khá nặng nề, quá tải.
Vì thế tâm lý của nhiều giáo viên khi bắt đầu tiếp nhận mô hình trường học mới đều lo lắng, ngại thay đổi “lối mòn”. Có hàng trăm nỗi lo của giáo viên THCS trước việc áp dụng mô hình mới.
Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) nhận xét: “Một tác phẩm văn học dạy theo lối truyền thống trong hai tiết còn lo “cháy” giáo án. Giáo viên phải linh hoạt “lướt” những bài đọc thêm, những bài không có trong đề thi chuyển cấp để dành thời gian dạy các bài trọng tâm. Bây giờ theo mô hình mới thì không biết dạy thế nào với thời gian eo hẹp ấy”.
Lo bỏ sót kiến thức, lo học sinh không hiểu bài, lo “cháy” nếu để mặc học sinh tự học, tự trao đổi, lo chất lượng tiếp thu kiến thức sa sút dẫn tới việc các em thiệt thòi khi thi chuyển cấp vào lớp 10 là tâm lý phổ biến của khá nhiều giáo viên.
Tương tự, cô Thân Lê Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, trường THCS duy nhất ở TP HCM tiếp tục áp dụng mô hình trường học mới - bày tỏ băn khoăn về áp lực đè nặng khi triển khai thí điểm mô hình này:
“Chúng tôi đã cho học sinh học mô hình VNEN ở tiểu học làm bài kiểm tra chất lượng, chung đề thi với đối tượng học sinh không học VNEN. Kết quả không chênh lệch giữa học sinh học hai mô hình khác nhau.
Học sinh đã học VNEN có ưu điểm là tự tin, mạnh dạn trong học tập, sống chan hòa, thân thiện trong tập thể lớp. Nhưng việc áp dụng tiếp ở THCS khiến chúng tôi vẫn lo lắng do các môn học có dung lượng kiến thức nặng hơn, có thêm các môn học mới.
Việc duy trì chất lượng để học sinh đủ điều kiện sau này dự tuyển vào lớp 10 cũng là điều nhà trường chịu áp lực trước cha mẹ học sinh”.
Hụt hẫng
Theo yêu cầu đánh giá học sinh THCS theo mô hình truyền thống, trong học kỳ với một môn học có khoảng ba điểm kiểm tra 15 phút, hai điểm miệng, ba điểm kiểm tra 45 phút và một điểm kiểm tra học kỳ.
Việc học sinh đã học mô hình VNEN và áp dụng thông tư 30 sẽ không quen với việc “chấm điểm” và vô hình trung khi phải nối tiếp với mô hình cũ ở bậc THCS, rất nhiều học sinh sẽ bỡ ngỡ, thậm chí bị sốc.
Học sinh tiểu học quen với việc trao đổi, thảo luận theo nhóm một cách thoải mái sẽ bị căng thẳng hơn rất nhiều học sinh không học mô hình này khi các em chuyển cấp, phải chịu tải 13 môn học theo lối dạy “đọc chép”.
Một số giáo viên trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết nhiều học sinh lớp 6 phải mất đến nửa học kỳ bỡ ngỡ với cách học tập, đánh giá mới. “Nếu nhìn vào điểm số thì thấy các em sa sút khá nhiều. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ do các em đang trải qua giai đoạn hụt hẫng giữa hai cấp học, hai mô hình, hai cách đánh giá khác nhau” - một giáo viên chia sẻ.
Bỏ VNEN, quay lại mô hình truyền thống, quay lại cách đánh giá học sinh truyền thống, theo các chuyên gia của mô hình trường học mới ở VN là một quan niệm cực đoan.
Tuy nhiên, chính họ cũng cho rằng ở một cấp học khác, rất cần sự điều chỉnh, linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học khác nhau, trong đó nên cố gắng giữ được tinh thần của mô hình trường học mới ở bậc tiểu học để tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, sự tự tin, mạnh dạn của học sinh trong học tập cũng như tham gia các hoạt động giáo dục.
“Việc Bộ GD&ĐT cho phép các nhà trường chủ động xây dựng chương trình nhà trường trong các nhà trường bậc giáo dục trung học là một giải pháp tháo gỡ” - cô Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ.
Trên thực tế tại Hà Nội, một số trường trung học đã linh hoạt lược bỏ những nội dung giáo dục quá tải, vận dụng các phương pháp dạy học một cách linh hoạt, tùy theo môn học, nội dung kiến thức, mục tiêu giáo dục và đối tượng học sinh, linh hoạt áp dụng các quy định kiểm tra, đánh giá (đánh giá qua bài kiểm tra, qua hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, dự án học tập, dự án nghiên cứu khoa học).
Kết quả thực hiện cho thấy các nhà trường có khả năng khắc phục được sự hụt hẫng của học sinh khi chuyển cấp học, khắc phục được những bất cập khi tận dụng thành quả của mô hình giáo dục đã được thừa nhận ở tiểu học ở một cấp học có đặc thù khác biệt.
Tâm lý thay đổi cũng ảnh hưởng Cô giáo Phan Thị Ngọc Hương, Trường Tân Thông Hội, cũng chia sẻ: “Học sinh lớp 6 tâm sinh lý chưa có gì thay đổi lớn so với khi các em học tiểu học. Nhưng lên lớp 7 thì đã rất khác. Học sinh ý thức về giới tính hơn, nhiều em xấu hổ không muốn nói ra ý kiến của mình, khép kín không thích giao lưu, hòa đồng nữa. Vì thế việc áp dụng y nguyên mô hình VNEN ở THCS cũng gặp khó khăn”. Ở Trường THCS Nam Hà, tỉnh Hà Tĩnh, không khí hào hứng vẫn còn đậm nét ở những học sinh học lớp 6, khi các em đã có tới ba năm làm quen với mô hình này ở tiểu học. Nhưng một số giáo viên cũng thừa nhận cả những góc bạn bè, cách thức trang trí lớp học ở bậc THCS cũng không còn thích hợp như với tiểu học nữa. Nó quá “trẻ con” trong khi học sinh lớp 6 bây giờ đang ở tuổi lỡ cỡ “học làm người lớn”. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]