Nhân viên CTXH chăm sóc cho người già neo đơn tại Trung tâm Xã hội 3, Hà Nội. Ảnh: H.Nguyên
Ngành CTXH rất mới. Theo bà, nhu cầu nhân lực về ngành này hiện ở mức độ nào?
- Nhu cầu của ngành chắc chắn là nhiều vì theo đề án phát triển nghề CTXH, đến năm 2020 sẽ phải cần 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo hoặc đào tạo lại để có trình độ chuyên môn. Nhu cầu thực tiễn cần nhiều. Tuy nhiên, quan trọng là những người này chắc chắn phải được đào tạo về mặt chuyên môn hoặc được bố trí đúng chuyên môn để phát huy hết năng lực.
ĐH Lao động xã hội là một trong những đơn vị đầu tiên đào tạo sinh viên ngành CTXH. Tỷ lệ sinh viên “đầu quân” vào học ngành CTXH của trường hàng năm thường thấp hay cao so với các ngành khác, thưa bà?
- Phải nói rằng tỉ lệ sinh viên vào ngành CTXH ngày càng tăng và tăng rất nhiều so với những năm trước. Trước đây, thường chỉ tiêu đưa ra, số lượng sinh viên đăng kí vào không đủ. Nhưng những năm gần đây, tỉ lệ tăng rất nhiều, chẳng hạn năm ngoái, Khoa CTXH vượt chỉ tiêu 30% và tương tự năm nay cũng vậy, chúng tôi phải lấy thêm 100 em nữa do số lượng đăng kí quá đông.
Thông thường, sinh viên ngành CTXH cần có môi trường để cọ xát thực tế. Khoa CTXH đã làm gì để tạo điều kiện này cho sinh viên, thưa bà?
- Việc cho sinh viên cọ xát thực tiễn nằm trong chương trình chính khóa của chúng tôi. Tất cả sinh viên học ngành này sẽ có 2 tháng để đi thực hành, ăn ở tại địa bàn. Ngoài ra, khoa còn có các chương trình hợp tác với các tổ chức NGO (phi chính phủ), kết hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ để các em đi thực tế thêm. Tất nhiên, không phải bất cứ em nào cũng được tham gia các khóa làm thực hành với các tổ chức này vì bản thân họ cũng chỉ cần một số ít người nên chúng tôi phải có sự chọn lựa. Nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực liên hệ với các đơn vị để nhiều em được đi thêm ngoài 2 tháng thực hành trong chương trình chính khóa. Những năm trước, có khoảng 30 em được tham gia với các tổ chức này. Đấy là sự cố gắng rất lớn của khoa.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm khá cao
Một số nhân viên CTXH cho rằng, hiện lương cho ngành này đang còn quá thấp. Bà đánh giá thế nào về điều này?
- Quả thật đấy là một nhận xét chính xác vì đây là vấn đề không riêng gì ở nước ta mà còn của nhiều nước trên thế giới. So với những ngành khác, mức lương cho ngành này vẫn còn rất thấp. Tuy nhiên, đổi lại, họ có được nhiều niềm vui, giúp được nhiều người yếu thế. Tôi từng chia sẻ với sinh viên, khi vào nghề này, các em phải hy sinh về mặt vật chất, bởi lẽ, nếu so sánh thì ngành này còn vất vả hơn nhiều ngành khác rất nhiều. Và nếu vì mục đích kiếm tiền thì không nên vào ngành này. Cần phải xác định rõ cho các em khi có ý định vào nghề này.
Theo bà, sinh viên ngành CTXH liệu có nhiều cơ hội tìm việc làm khi ra trường?
- Khi các em ra trường, tôi đã chia sẻ với các em, vì đây là nghề chuyên nghiệp mới nên cơ chế chính sách còn nhiều khó khăn. Nên khi các em học xong, không nhất thiết phải làm trong các cơ quan nhà nước mà có thể tham gia vào các tổ chức cung cấp dịch vụ, các tổ chức NGO. Thậm chí, các em có thể tự mở ra các cơ sở tư nhân để cung cấp dịch vụ cho Nhà nước. Các em không nhất thiết phải làm trong ngành CTXH mà những kĩ năng mềm các em được học qua ở ngành này, đều có thể áp dụng để tham gia vào nhiều ngành nghề lao động khác. Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên qua theo dõi, tỷ lệ sinh viên có việc làm khá cao. Đặc biệt, nhiều đơn vị ở Singapore có liên hệ với chúng tôi, mong muốn được giới thiệu nhân lực cho các bệnh viện vì nhiều bệnh nhân Việt Nam sang đây chữa bệnh. Tuy nhiên, điều bất cập là kĩ năng ngoại ngữ của các em chưa cao. Vì thế, hiện Khoa chúng tôi đang thí điểm dạy một môn bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực cho các em. Tiến tới vài năm sau, chúng tôi sẽ có khoảng 3 môn và đào tạo cả hệ Chất lượng cao về ngành CTXH.
Được biết, ngoài đào tạo sinh viên, ĐH Lao động xã hội còn là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia đào tạo giáo viên ngành CTXH?
- Trước đây, trường là của Bộ LĐTB&XH, thiên về đào tạo chính sách cho Bộ. Năm 1997, chúng tôi được đào tạo hệ Cao đẳng ngành CTXH. Đến năm 2005, chúng tôi chính thức đào tạo hệ Đại học ngành này. Có thể nói, ĐH Lao động xã hội là một trong những cơ sở đầu tiên tham gia đào tạo trình độ CĐ và ĐH về ngành CTXH. Trường cũng là một trong những nơi đầu tiên đào tạo chuyển đổi giáo viên cho ngành CTXH. Trước đây, chúng tôi đào tạo cho một vài trường ở miền Bắc và hiện tại, trường tiếp tục kết hợp với ĐH Đông Á cùng một số trường ở khu vực miền Trung để đào tạo chuyển đổi, nâng cao năng lực giáo viên ngành CTXH.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
“Hiện nay, cả nước có hơn 400 cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, số lượng đó còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, việc đào tạo đội ngũ cung cấp dịch vụ công tác xã hội một cách chuyên nghiệp là cấp bách”.
TS Bùi Thị Xuân Mai (Trưởng khoa Công tác xã hội, ĐH Lao động xã hội)
Theo Giadinh.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]