Tôi chưa bao giờ chán học Lịch sử. Môn này giúp tôi hiểu hơn về lịch sử dân tộc, cảm thấy tự nào về thành quả của cha ông để lại, là động lực cho sự phát triển.
Bản thân tôi ngày xưa cũng chỉ học thuộc lòng và nhớ mà thôi. Nhưng điều ấy giúp tôi tự tin khi tham gia bàn luận hoặc chia sẻ về lịch sử dân tộc qua các thời kỳ.
Sinh viên trong một giờ học ở Philippines. Ảnh: Gmag Philippines.
Tuy nhiên, việc học Lịch sử thật sự có hiệu quả, trở thành môn học thu hút học sinh, là câu hỏi lớn. Nó yêu cầu một chiến lược trong việc phát triển môn học này không chỉ ở nhà trường, mà còn trong cả cuộc sống.
Tôi du học tại Philippines, dù không theo chuyên ngành Lịch sử, nhưng cũng thấy phương pháp dạy ở đây khá thú vị.
Lịch sử ở Philippines được xem là môn học bắt buộc từ tiểu học đến đại học, tuy nhiên tùy bậc học mà nội dung khác nhau.
Tiểu học và trung học phổ thông sẽ có giáo trình chính nhưng lên đến cao đẳng, đại học, sinh viên phải tự tìm kiếm tài liệu và phân tích, dựa trên hướng dẫn của giáo viên.
Yêu cầu chung của việc giảng dạy môn Lịch sử trong giai đoạn này là giúp học sinh hiểu về nguồn gốc của người Philippines, phát triển kỹ năng phân tích, sáng tạo và thấu hiểu được ý nghĩa của các sự kiện trong lịch sử. Cuối cùng, sinh viên rút ra bài học cá nhân.
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng kỳ thực không đơn giản vì mục tiêu giáo dục của môn học thường lý tưởng hóa hơn so với thực tế. Một phần học sinh thích môn này, nhưng số khác cảm thấy chán và sợ vì họ cho rằng lịch sử là những cái đã qua, không có trong hiện tại hoặc ghét nhìn lại quá khứ.
Trong những tình huống người học không có động lực và cảm thấy chán nản, giáo viên tạo ra những hoạt động như thảo luận nhóm, xem phim và phân tích.
Tại Philippines, giáo viên đưa cơ hội chủ động cho học sinh để khai thác cách nhìn về sự kiện lịch sử. Thay vì đề cập nội dung bài học, giáo viên đặt vấn đề cho học sinh trước, để các em phân tích, nhận định dưới góc nhìn của mình. Sau đó, thầy cô sẽ kết hợp nội dung sách giáo khoa, giúp học sinh có cách nhìn toàn diện hơn.
Giáo viên còn tạo cơ hội để các em trở thành những nhân vật lịch sử, chia sẻ giải pháp. Chẳng hạn, thầy cô đặt ra câu hỏi: “Nếu là người đứng đầu đất nước trong lúc bị thiên tai, em sẽ làm gì?”; Hoặc "nếu là người đứng đầu đất nước, em sẽ làm gì để đối phó khủng bố?”.
Giáo viên không đặt người học trong viễn cảnh xa vời mà muốn đưa các em vào thời điểm lịch sử để hiểu thật sự, có được thêm kỹ năng suy nghĩ và phân tích.
Đặc biệt, họ cũng chú trọng việc đưa người học đi thực tế. Đây là phương pháp giảng dạy khá hiệu quả khi học sinh được xem mô hình, hiện vật của lịch sử, sẽ dễ dàng liên hệ và nhớ sâu hơn về nội dung bài học.
Nguyễn Quốc Giang (bên phải) chụp ảnh với Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương (cà vạt xanh) tại Manila. Ảnh: NVCC.
Giáo dục ở Philippines còn khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên. Tôi còn nhớ, một du học sinh Việt học môn Lịch sử Philippines, phải làm bài tập: Nếu thiết kế tượng đài Rizal (một vị anh hùng của Philippines), bạn sẽ làm như thế nào?
Đây là đề tài rất thú vị vì sinh viên có cơ hội sáng tạo theo suy nghĩ của bản thân. Hơn nữa, những người quan tâm đến chủ đề này có thể thu thập những sáng kiến của học sinh làm tư liệu.
Theo tôi, bản thân những người dạy luôn ấp ủ những phương pháp sáng tạo để tạo hứng thú cho học sinh, nhưng bị hạn chế về thời lượng, mẫu bài giảng.
Thay vì tập trung sách vở, giáo viên có thể lồng ghép những đoạn phim, giáo cụ trực quan để thầy trò cùng phân tích.
Người dạy cũng không nên chỉ nói về những sự kiện lịch sử khô khan, mà nên mời những người từng tham gia kháng chiến chia sẻ với học sinh, tái hiện sự kiện lịch sử bằng người thật, việc thật. Tôi tin rằng, các hoạt động này sẽ tạo thêm hứng thú của người học với môn Lịch sử.
Nguyễn Quốc Giang sinh năm 1987, đang học thạc sĩ ngành Nghiên cứu Xã hội tại Viện nghiên cứu Xã hội châu Á ở Manila, Philippines. Giang từng nằm trong đội tuyển thi quốc gia môn Lịch sử thời phổ thông trung học. Hiện Giang là Chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại Manila. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]