Câu chuyện về bác xích lô
Tiếp tục dự án Học văn để sống lần 2, teen đã làm bài tập bằng phim ngắn và phóng sự. Đằng sau mỗi bộ phim là những bài học đầy ý nghĩa. Để thực hiện Nụ cười sau những giọt mồ hôi, nhóm học sinh lớp 9A2 phải tự tìm đến nhà nhân vật là một người đạp xích lô, nằm trong một con hẻm nhỏ.
Quốc Huy (9A2) kể lại: “Mãi sau này, khi thấy chú tươi cười đứng đón ở trước căn nhà nhỏ cuối hẻm, bọn mình mới thở phào nhẹ nhõm. Chú nhiệt tình kể chuyện và trả lời tất cả những câu hỏi, còn tạo điều kiện để tụi mình quay được những thước phim đẹp nhất".
Quốc Huy và mẹ (ở giữa) cùng lên sân khấu chia sẻ về những cảm nhận sau dự án
Bài tập lúc… nửa đêm
Có những đề tài các bạn phải thức dậy lúc nửa đêm, thậm chí thức trắng để thực hiện. Trong phóng sự Lặng lẽ Sài Gòn (lớp 9A2), những cảnh quay người công nhân vệ sinh đô thị được thực hiện lúc 1-2h sáng. Còn với Đêm, một bộ phim có đề tài khá nhạy cảm về cuộc sống của gái bán hoa, nhóm học sinh thực hiện đã phải tiến hành phỏng vấn từ lúc 3-4h đến 6-7h. Để có được hình ảnh những gái làng chơi đang hành nghề, các bạn phải dàn cảnh để quay lén.
Cô Hạnh Trâm, giáo viên dạy Văn, người theo suốt quá trình làm phim Đêm chia sẻ: “Ban đầu có nhiều phụ huynh lo lắng và ngăn cấm con tham gia vì thấy mạo hiểm. Nhưng về sau, chính các bạn đã thuyết phục được ba mẹ hỗ trợ để vào tận quán bar phỏng vấn nhân vật thật”.
Người xem ắt sẽ rất ấn tượng với đoạn ghi âm phỏng vấn trực tiếp một cô gái làng chơi và để thực hiện được đoạn ghi âm này cả nhóm đã phải góp tiền trả công, họ mới đồng ý cho trả lời.
Những thước phim từ trái tim
Trước khi bắt tay vào làm phim, các bạn đã được trang bị kỹ năng bằng những khóa huấn luyện vui nhộn. Đó là buổi chia sẻ chuyên đề Sống với các nội dung yêu thương trong bàn tay, sức mạnh của sự tha thứ, tôn trọng bản thân thật sự bằng hình thức vẽ, cắt dán, đóng kịch hay tập thiền ngay tại lớp…
Các bạn học sinh khoe tác phẩm vẽ biểu tượng yêu thương trong chuyên đề Sống.
Tập thiền ngay giữa lớp học.
Đề tài mà các bạn lựa chọn để làm phim khá đa dạng từ người nhập cư, đạo đức kinh doanh thực phẩm đến cộng đồng người đồng tính. Không chỉ phản ánh, sau mỗi bộ phim, các học sinh còn quyên góp ủng hộ nhân vật có hoàn cảnh khó khăn hay đề ra giải pháp cho các vấn đề còn bất cập. Cô Minh Ngọc, người khởi xướng và là một thành viên ban cố vấn dự án đã rất xúc động khi xem thành quả của học trò: “Người dạy văn cho các em không chỉ là các thầy cô mà là cả xã hội”.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]