Đưa vấn đề Biển Đông vào bài thi
“Trung Quốc vô tư đặt giàn khoan trái phép và hung hãn tấn công những ngư dân Việt Nam. Đó là một trở ngại lớn nhưng trong lịch sử nhân dân ta đã bao lần cần cù, kiên trì, bảo vệ bờ cõi khỏi giặc xâm lược. Và bây giờ nó như tái hiện thêm một lần nữa. Nhưng ta phải mềm mỏng nhưng cương quyết như cha ông ta đã dạy để bảo vệ Tổ quốc...”. Đây là trích đoạn trong bài thi môn Văn học kỳ 2 của một học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế). Nhiều giáo viên nhận xét, ở lứa tuổi THCS nhưng các em đã biết vận dụng các sự kiện lịch sử mang tính thời sự để đưa vào bài thi là rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là một trong những dịp để nhiều học sinh cọ xát với các đề thi mang tính mở, không khuôn mẫu như trước đây.
Năm nay, đề thi học kỳ 2 của khối 7, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu có câu: “Hãy viết bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Rất nhiều học sinh đã không ngần ngại đưa vấn đề đang “nóng” tại Biển Đông hiện nay vào bài làm của mình. Học sinh Bảo Chân viết: “Thế giới cũng đã lên tiếng về hành động này và nhân dân Việt Nam cũng rất phản đối về hành động của Trung Quốc. Dù vậy, khi Tổ quốc cần, chúng ta những người dân Việt Nam sẽ đoàn kết bảo vệ vùng biển vốn thuộc chủ quyền Việt Nam...”.
Tại TPHCM, một số trường THPT cũng đưa vấn đề biển đảo vào đề thi cuối kỳ. Ở Trường THPT Nhân Việt, các học sinh tỏ ra rất thích thú với đề thi mang tính thời sự này. Thầy giáo ra đề thi của Trường THPT Nhân Việt (xin không nêu tên) cho biết: “Mục đích khi ra đề thi này là muốn các em cọ xát, tập làm quen với những dạng đề xã hội”. Vấn đề này cũng được đưa vào nội dung ôn tập các môn Văn, Sử cuối học kỳ của Trường THPT Chu Văn An và được rất nhiều học sinh đón nhận, có những bài làm khá tốt.
Lưu ý các sự kiện
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An - Hà Nội) cho biết, thời gian này, nhiều học sinh rất hào hứng và quan tâm đến vấn đề biển đảo. Tuy nhiên, việc ôn luyện cũng chỉ có tính thời sự trong thời điểm nào đó nên các em phải hết sức lưu ý khi ôn tập. Tóm lại, đề bài phải chạm đến tính lịch sử nên chắc chắn đề thi luôn có sự thay đổi linh hoạt trong từng thời điểm nhất định.
Cô Trịnh Thu Tuyết cũng lưu ý, bản chất của các môn khoa học xã hội là khoa học phải gắn bó với mật thiết với xã hội. Bất kì thời điểm nào, muốn thi tốt các môn này, các em nắm vững kiến thức cơ bản thì chưa đủ mà còn phải biết gắn kết với các sự kiện nóng trong dư luận xã hội để có những liên hệ khi làm bài.
Cùng ý kiến trên, PGS Văn Như Cương – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, việc đưa vấn đề Biển Đông hiện nay vào đề thi ở phạm vi một lớp học sẽ rất tốt bởi vừa có tính văn học, vừa có tính giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước. Nên khuyến khích giáo viên định hướng cho học sinh quan tâm đến những vấn đề của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, giáo viên phải giúp học sinh có nhận thức đúng để có phản ứng đúng, không vi phạm pháp luật. Nhưng, nếu là đề thi chính thức ở các cuộc thi mang tầm quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT hay ĐH-CĐ thì cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi dễ gặp phải những tình huống khó kiểm soát vì ngoài tính văn chương thì dạng đề thi như thế này còn có tính thời sự, chính trị.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]