Những bữa cơm học trò tự túc
Trong buổi tọa đàm, đại diện các trường đã có cơ hội chia sẻ với nhau những kinh nghiệm đã làm được sau một năm thực hiện nghị quyết. Mỗi đơn vị là một bài học về sự đổi mới, tư duy, sáng tạo không ngừng của tập thể giáo viên, cán bộ quản lý cũng như sự tích cực của phụ huynh, học sinh.
Đạt được nhiều thành công đáng kể sau một năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, cô Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (HN) - phấn khởi chia sẻ về những thay đổi của thầy và trò nhà trường trong một năm vừa qua. Đó là một bức tranh sinh động về việc kết hợp những buổi học lý thuyết với thực hành.
Thời gian đầu, nhiều HS không được “nhìn tận mắt” những hình ảnh, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của vùng nông thôn nên khi học trong những môn học Ngữ văn, Sinh học, Địa lý… đều có phần bỡ ngỡ. Nắm bắt được tâm lý đó, trường đã chủ động sáng tạo trong việc gắn liền hình ảnh thực tiễn với những bài học trên lớp ngay tại trường.
Cụ thể: Trường THCS Tô Hoàng đã sáng tạo trong việc xây dựng khung cảnh sư phạm; khắc phục hạn chế diện tích trường học tại thành phố, trường đã tận dụng các góc sân nhỏ dùng để trang trí phong cảnh liên quan đến vườn quê bằng những vật liệu như đá ong, đồ gốm, cây cau, cây trầu… Mỗi ngày đến trường, HS không chỉ được rèn luyện kĩ năng sống biết chăm sóc cây cối, biết yêu quê hương mà còn được làm quen với những hình ảnh thân thuộc của làng quê mà trước kia chỉ biết qua những trang sách.
Một điều đặc biệt, HS Trường THCS Tô Hoàng có nhiều trải nghiệm thực tiễn tại khu vườn trường và cả những buổi dã ngoại tại các tỉnh ngoại thành; được học các môn Sinh học, Hóa học, Công nghệ… bằng việc tìm hiểu tại các khu vườn với các loại cây cối rễ cọc, rễ chùm, hoa màu, chất đất… đầy tính thực tế.
Hoạt động nổi bật nhất chính là buổi thực hành Công nghệ; HS được ra vườn trường hái rau, câu cá, nhặt trứng gà để tự nấu những bữa cơm thân mật.
Mâm cơm có thể chưa nhiều màu sắc, món ăn có thể còn mặn, rau luộc chưa chín... nhưng đó là thành công lớn khi các em được lao động, được học tập những kĩ năng sống cần thiết nhất và quan trọng là biết cảm thông, đồng cảm với những người khó khăn trong cuộc sống.
GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu tại buổi tọa đàm
Nếu em là lãnh đạo…
Đây là chủ đề chia sẻ với các chuyên gia GD, với các trường bạn của cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) - điểm nhấn của Mô hình Trường học mới VNEN.
Đã thực hiện mô hình dạy và học “Lấy học sinh làm trung tâm” nên khi đón nhận Mô hình Trường học mới VNEN, nhà trường càng vui mừng khi đã có bước đệm để tiến đến nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện. HS đã thực sự mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập cũng như những kĩ năng giao tiếp cần thiết.
Thành công lớn của trường trong một năm qua đó là việc xây dựng bể bơi mini trong trường theo nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của HS. Cùng đó, trường tổ chức nhiều buổi hội thảo cho HS được nói lên quan điểm và ý nguyện của mình trước phụ huynh và giáo viên. Việc lắng nghe HS nói đã có tác động tích cực trong công tác giảng dạy cũng như quản lý của trường.
Trong buổi trao đổi với chủ đề: “Nếu là lãnh đạo trường, em sẽ làm gì?”, rất nhiều HS đã bày tỏ quan điểm muốn có bể bơi trong trường để các em được học bơi, khắc phục được nạn đuối nước thương tâm xảy ra hàng năm do địa bàn trường cạnh ao hồ. Và bể bơi mini đầu tiên trong trường học tại Lào Cai đã ra đời như thế. Cho đến nay, 80% HS của trường đã biết bơi và phấn khởi có được một sân chơi rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống của riêng mình.
Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân vui mừng khẳng định thành công lớn từ những hoạt động nhỏ, cùng chung tay xây dựng môi trường GD thân thiện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Áp dụng Mô hình học VNEN, cô và trò nhà trường đã vui mừng phấn khởi như đón nhận luồng gió trong lành của đổi mới GD.
Háo hức mỗi ngày được đến trường
Sau một năm triển khai Nghị quyết 29, các trường học mầm non cùng chung niềm vui với những chuyển biến tích cực. Như Trường Mầm non Bông Sen (Lào Cai) - từ xuất phát điểm có cơ sở vật chất yếu kém, tạm bợ, không có nhà vệ sinh cho các con, không có bếp nấu ăn, lớp học tranh tre nứa lá… trường đã mạnh dạn tham mưu với lãnh đạo địa phương cùng giải quyết khó khăn.
Đầu tư tiền của cho GD tại địa phương vùng khó có nhiều gian nan, tuy nhiên, được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo địa phương và cả phụ huynh, giáo viên, trường đã được kiên cố hóa, cơ sở vật chất khang trang hơn. Nhà trường còn tận dụng đất rộng để canh tác, trồng một cây nuôi một con, vừa tăng năng suất lao động, tạo điều kiện cho các cán bộ giáo viên trong trường, vừa cải thiện bữa ăn cho các cháu. Nhìn những đàn gà, những luống rau xanh, những khu trồng cây ăn quả xum xuê trái, thầy trò và phụ huynh của trường lại thêm phấn khởi, háo hức đưa con em đến lớp mỗi ngày.
Không còn lớp học nền đất lo dính ướt những ngày mưa, không còn mái tranh bị nắng chiếu… HS đã thực sự thích thú được đi học. Đó là thành công lớn mà không phải địa phương vùng khó nào cũng thực hiện được.
Có thầy giỏi mới có trò giỏi
Đó là quyết tâm nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của Trường THPT Lạc Sơn (Hòa Bình). “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhà trường luôn quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ các thầy cô giáo có trình độ phục vụ trong công tác giảng dạy.
Những thành công mà trường đã làm được, đó là việc soạn giáo án chung, cùng giảng theo nhóm, với những giáo án đổi mới nhằm phát huy tính tích cực của HS. Đặc biệt trường đã cố gắng “đóng vai” cách nghĩ, cách tư duy của HS để rút ra những phương pháp dạy phù hợp nhất. Chú trọng tổ chức hình thức học tập đa dạng, tổ chức các hoạt động xã hội ngoại khóa, nghiên cứu cho giáo viên. Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới GD, trách nhiệm của giáo viên được nâng lên, có sự đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực.
Thành công của các tập thể, các đơn vị nhà trường đã góp phần tạo dựng thành công chung cho nền GD nước nhà. Cũng như thầy Đoàn Trọng Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhận định trong buổi tọa đàm: Nghị quyết 29 giống như chiếc “gậy chỉ huy” cho các trường thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành.
Chuyên gia vui mừng trước bức tranh giáo dục sinh động
GS.TS Trần Hồng Quân: Giáo dục không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy về kĩ năng. Nhìn những thành quả mà các đơn vị làm được, quả thực là điều đáng hoan nghênh. Phải yêu Ngành, yêu trò thì thầy cô mới có thể trăn trở, sáng tạo, khắc phục khó khăn cũng như có được những thành công đó.
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường: Theo đúng tinh thần Nghị quyết 29, bậc học THCS sẽ đổi mới nhiều nhất. Theo đó, việc dạy tích hợp liên môn và cơ cấu đội ngũ giáo viên cần được chú trọng. Về mô hình VNEN, đây là mô hình mới, hiện đại và là mô hình mở, đã đem lại hiệu quả tích cực cho học sinh ngoài việc học kiến thức, còn có những kĩ năng cần thiết nhất.
GS.TSKH Bành Tiến Long: Đây thực sự là một đổi mới. Khoan nói về kết quả nhưng tinh thần Nghị quyết 29 đã thấy rõ, các trường đã chuyển mình, có nhiều cái mới theo đúng tinh thần của đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]