Năm học 2015 - 2016 được đánh giá và kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới mang tính tích cực hơn. Ảnh: Chí Cường
Ngày mai (5/9), học sinh cả nước bước vào khai giảng năm học mới 2015-2016. Các công việc như: Tiếp tục không chấm điểm, tổ chức thi học sinh giỏi ở cấp tiểu học, rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 để tổ chức kỳ thi năm 2016 thành công... là những điểm đặc biệt sẽ diễn ra trong năm học 2015 - 2016 này.
Lễ khai giảng quốc gia
Lễ khai giảng tại các trường học trên phạm vi cả nước năm nay đặc biệt so với mọi năm, đó là được tổ chức cùng thời điểm nên có thể gọi là khai giảng quốc gia. Đây có thể được coi là nét đặc biệt, mở đầu cho năm học mới. Đặc biệt, lễ khai giảng năm nay sẽ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, lấy học sinh làm trung tâm. Các trường cũng không có quá nhiều thời gian, tiết mục để chào đón các đại biểu, hay các bài phát biểu dài dòng như trước đây.
Sở dĩ có ngày khai giảng chung trong cả nước với nhiều điểm mới là bởi trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD&ĐT chọn một ngày khai giảng thống nhất trên toàn quốc với nội dung gọn nhẹ. Tất cả các trường trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi tới các Sở GD&ĐT, các trường học về tổ chức khai giảng năm học diễn ra trong ngày 5/9, theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ.
Tiếp tục bỏ chấm điểm tiểu học
Năm học 2015 - 2016, các trường Tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30 về quy định đánh giá học sinh Tiểu học – kiểm tra, đánh giá bằng nhận xét, bỏ chấm điểm thường xuyên, tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục, triển khai chương trình Thí điểm Tiếng Anh tiểu học. Học sinh Tiểu học sẽ hoàn thành nội dung học tập tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh…
Trên đây là những nội dung quan trọng mà Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học năm học 2015-2016 đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, trong năm học tới, trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh.
Bên cạnh các chương trình dạy học tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục tại 47 tỉnh, thành, các trường Tiểu học sẽ tiếp tục triển khai Trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1447 trường đang thực hiện và nhân rộng mô hình. Thử nghiệm dạy và học Mỹ thuật theo phương pháp mới, triển khai dạy học tiếng Anh theo chương trình Thí điểm tiếng Anh tiểu học. Về thời lượng học tập, các trường, lớp dạy học hai buổi/ngày có tối đa 7 tiết/ngày và phải bảo đảm các yêu cầu như học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành nội dung học tập tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh…
Điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia
Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và thực hiện kế hoạch năm học 2015 - 2016. Bộ GD&ĐT cũng đã khẳng định năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.
Về kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi. Đồng thời xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Hà Nội - TPHCM không tăng học phí
Vấn đề mà các phụ huynh học sinh quan tâm mỗi dịp năm học mới, đó là chuyện có tăng học phí hay không, nhất là ở các thành phố lớn. Tại buổi họp của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2015 - 2016, các trường học trên địa bàn thực hiện theo Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND, ngày 28/8/2012, của UBND TP Hà Nội về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí.
Theo đó, mức học phí của các nhà trường công lập tại Hà Nội vẫn giữ nguyên như năm học trước. Cụ thể là 40.000 đồng/tháng/học sinh đối với các trường ở thành thị, 20.000 đồng/tháng/học sinh đối với các trường khu vực nông thôn. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, sẽ tiến hành thống nhất các khoản thu khác của các trường trực thuộc, thời gian từ ngày 19 - 25/9.
Trong khi đó, HĐND TP HCM khóa 8 đã tiến hành kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường) đã thông qua Nghị quyết về “miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2015-2016 trên địa bàn TP HCM”. Nghị quyết này sẽ tạm thời áp dụng các quy định của Nghị quyết 12/2013 của HĐND Thành phố về thực hiện thu học phí. Như vậy, trong năm học 2015-2016, mức thu học phí và các vấn đề về miễn, giảm học phí… trên địa bàn TP HCM vẫn được giữ nguyên như năm học vừa qua.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]