Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong định hướng HS yêu thích môn Toán
Môn Toán nói chung, môn Toán ở trường THPT nói riêng vẫn được học trò đánh giá là môn học “3 khó”: Khó hiểu, khó học, khó nhớ...
Ta có thể cho học sinh tiếp cận môn Toán dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng với cách tiếp cận ở tình huống cuộc sống cụ thể, các em được trải nghiệm bài toán thực tế thì chắc chắn các em thấy dễ tiếp thu hơn, dễ hiểu hơn.
Cô Trần Thị Hồng Dung -Trường THPT Phúc Yên (Vĩnh Phúc) – đã chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Tiềm năng đặc biệt của môn Toán với giáo dục kỹ năng sống
Là giáo viên bộ môn Toán, đồng thời là cán bộ quản lí phụ trách công tác giáo dục học sinh, tôi nhận thức rõ tiềm năng đặc biệt của việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh ở môn Toán. Đồng thời, giáo dục KNS sẽ tạo ra hứng thú cho học sinh tiếp thu môn Toán.
Chương trình môn Toán THPT hiện nay đã đáp ứng được với cách tiếp cận giáo dục kĩ năng sống theo 4 trụ cột học của UNESCO: Học để biết; Học để làm; Học để cùng chung sống; Học để tự khẳng định mình.
Có rất nhiều thuận lợi khi tích hợp môn Toán với các môn học khác, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống khi giảng dạy. Đó là hiện môn Toán học ở trường phổ thông có khối lượng kiến thức lớn, thời lượng lên lớp của mỗi giáo viên Toán trên một lớp cũng nhiều nhất so với giáo viên dạy bộ môn học khác (Môn Toán tính bình quân 3,5 - 4 tiết/tuần tùy theo khối lớp chưa kể tự chọn).
Đây là cơ hội để mỗi kỹ năng sống được nhắc lại, được thấm vào học sinh.
Về nội dung, khi biên soạn chương trình giáo dục cấp THPT, yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, phương pháp đã chỉ rõ: Chuẩn kiến thức, kĩ năng là căn cứ để biên soạn sách giáo khoa, quản lí dạy học; Các hình thức tổ chức giáo dục phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa dạy học các môn học và hoạt động giáo dục;
Bảo đảm chất lượng giáo dục chung cho mọi đối tượng và tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của học sinh...
Cụ thể về mục tiêu môn Toán phần yêu cầu kĩ năng học sinh phải biết: Giải toán và vận dụng kiến thức toán học trong học tập và đời sống. Nội dung, chương trình môn Toán biên soạn với mục tiêu như trên tạo điều kiện cho giáo viên dạy Toán dễ dàng tiếp cận trong giáo dục KNS.
Hơn nữa, môn Toán có liên hệ mật thiết với thực tiễn, có ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học, công nghệ, đặc biệt là trong sản xuất đời sống.
Toán học phổ thông có nhiều bài toán áp dụng trong lĩnh vực kinh tế, khi giảng dạy cho học sinh có sự liên hệ thực tiễn tốt sẽ nâng cao khả năng tư duy, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng ra quyết định, khả năng thương lượng, chia sẻ thể hiện sự cảm thông, rèn luyện cho học những kĩ năng liên quan đến ý thức, thái độ...
Vai trò định hướng, hướng dẫn của giáo viên
Cô Dung lấy ví dụ về một bài toán sau khi HS học xong phần cấp số cộng, cấp số nhân: Khi tốt nghiệp phổ thông bạn A không có điều kiện học tiếp, bạn làm công nhân cho một công ty nước ngoài với thời gian kí hợp đồng (10 năm).
Công ty X đề xuất hai phương án trả lương cho bạn A, cụ thể là:
- Phương án 1. Bạn A nhận số tiền 35 triệu đồng cho năm làm việc đầu tiên và kể từ năm thứ hai, mức lương sẽ được tăng thêm 4 triệu đồng mỗi năm.
- Phương án 2. Bạn A nhận được nhận 7 triệu đồng cho quý đầu tiên và kể từ quý làm việc thứ hai mức lương sẽ tăng thêm 500.000 đồng mỗi quý.
Em tính giúp cho bạn nên chọn phương án nào?
Theo cô Dung, để giải bài toán này, ta phải tính xem trong 10 năm bạn được nhận tiền lương là bao nhiêu?
Nhận thấy cả hai phương án số tiền nhận được sau 1 năm (1 quý) đều tuân theo một quy luật nhất định:
- Phương án 1. Đó là cấp số cộng với số hạng đầu u1 = 35 triệu và công sai d = 4 triệu.
- Phương án 2. Đó là cấp số cộng với số hạng đầu u1 = 7 triệu và công sai d = 0, 5 triệu.
Vậy theo phương án 1: Tổng số tiền người lao động nhận được là: S10 = 530 triệu;
Theo phương án 2: Tổng số tiền mà người lao động nhận được là S40 = 670 triệu.
Vậy, bạn A nên chọn chọn phương án 2 để nhận lương thì số tiền lương sẽ cao hơn.
Cô Dung kết luận: Cách tiếp cận dạy học từ các kĩ năng tính toán, tư duy, trải nghiệm như trên, học sinh dễ dàng tiếp cận môn toán, học sinh có hứng thú hơn khi học Toán.
Từ cách phân tích bài toán cụ thể, cùng với quá trình thực nghiệm ta thấy môn Toán có tiềm năng đặc biệt trong giáo dục KNS, chương trình môn Toán THPT đáp ứng được với cách tiếp cận giáo dục kĩ năng sống theo 4 trụ cột học của UNESCO.
Vấn đề đặt ra là giáo viên tiếp cận giáo dục KNS trong môn Toán như thế nào để đảm bảo cho học sinh dễ tiếp thu kiến thức, đồng thời học sinh được phát triển toàn diện.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]