Ông Quỳnh (57 tuổi), hiện đang sống ở ngõ 11, Đặng Thai Mai, Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội). Chỉ sau 4 tháng, ông đã dựng lên một ngôi trường mẫu giáo khang trang và đầy đủ cho cô và trò nơi quê ông ở bản Rai, xã Tuân Đạo. Điều này khiến những người dân xóm núi coi ông Quỳnh như là một “ông bụt” của xứ Mường. Nhưng có lẽ ít ai biết, ông đã khởi nghiệp từ anh xe ôm với những đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Bén duyên với đất
Trên quãng đường dài ngót 150km vòng theo những triền đồi của vùng Kim Bôi, cửa ngõ của xứ Mường để đến ngôi trường mới xây tròn 1 năm với số tiền 2,9 tỷ đồng, ông Quỳnh tâm sự: “Tôi là người Mường, sinh ra trong một gia đình có 5 anh em trai. Theo lẽ thường thì cũng lớn lên rồi lấy một cô vợ ở xóm núi, làm ít ruộng, ít rừng, rồi sinh con đẻ cái là xong. Nhưng năm 1976, tôi đã xung phong đi bộ đội”. Ông Quỳnh bảo, cũng là do số phận đưa đẩy, ông được đi học lớp bổ túc văn hóa cấp III của Quân chủng Phòng không - Không quân đóng tại làng Quảng Bá, rồi đem lòng yêu cô thôn nữ Vũ Thị Hợp. Đến năm 1984, ông Quỳnh chính thức được làm con rể ngôi làng nổi tiếng về trồng quất xưa nay. Đó có lẽ cũng là một cơ duyên lớn trong cuộc đời của ông.
Ông Quỳnh và các cháu lớp mẫu giáo ở bản Rai.
“Năm 1994, tôi về nghỉ chế độ một cục với quân hàm đại úy. Rời quân ngũ về giữa thủ đô không nghề nghiệp, may mà có mấy cậu em vợ rủ sắm chiếc xe máy, tôi ra bến Phúc Tân làm xe ôm. Nói thật, cũng phải vay mượn mãi, tôi mới đủ số 3 triệu đồng để mua 1 chiếc xe Simson. Nhưng làm xe ôm thấy bấp bênh quá, hơn nữa với bản chất không quen tranh giành, nên tôi tìm kế mưu sinh khác. Tôi nghĩ, sao không phát huy truyền thống làng nghề của các cụ nhỉ?”. Nghĩ là làm, năm 1996, ông Quỳnh bắt đầu vào trồng quất trên mảnh ruộng tiêu chuẩn của gia đình. Kế nghiệp truyền thống nhưng ông đã quyết định phải đổi mới nghề bằng cách trồng những cây quất to. May mắn nhờ lộc giời ngay cái tết đầu tiên, người ta đã tranh nhau mua hết cả vườn quất to của ông để trưng bày tại công sở. Khách hàng của ông, có những cơ quan đã mua những cây quất với giá bằng 1 cây vàng.
Rồi với một giọng hào hứng, ông kể: “Cách đây 15 năm, đất Quảng Bá rẻ như cho, chưa đến trăm ngàn/1m2. Được tiền đến đâu, tôi mua thêm đất đến đó. Đến năm 2005, khi nhà cao tầng liên tục mọc lên, số đất mà tôi và gia đình đã mua thực sự là một khối gia tài đáng kể. Không biết từ lúc nào, tôi đã tiết kiệm được một số vốn kha khá”.
Nặng tình với quê
Câu chuyện về sự ra đời của những lớp học tiền tỷ dành cho các cháu mẫu giáo của ông Quỳnh nơi xóm núi cũng rất tình cờ. Một lần về quê ăn tân gia, được tận mắt thấy cảnh các cháu nhỏ phải học trong những dãy nhà ọp ẹp, ông Quỳnh đã lập tức về bàn với gia đình và người thân về ý định xây tặng trường học cho các cháu. Nhớ lại cái sự liều của mình, ông Quỳnh nói: “Sau khi thuyết phục được bà vợ nghe mình rồi, tôi lại nhận được sự động viên và ủng hộ tích cực của người bạn thân và cũng là thông gia là ông Nguyễn Quang Hoàng (số 22, Đặng Thai Mai)”.
"Bản thân tôi nhiều lúc cũng thấy vất vả vì tuổi mình cũng đã lớn, nhưng nghĩ đến các cháu nhỏ quê mình học hành, ăn ở không tốt thì tôi lại càng quyết tâm bằng mọi giá nhanh nhất để đưa công trình vào phục vụ lũ trẻ”.
Ông Bùi Xuân Quỳnh
Bốn tháng xây trường là ngần đó khoảng thời gian ông Quỳnh như con thoi liên tục với quãng đường 150km giữa Hà Nội và Hòa Bình. Nhớ lại lúc đó, ông Quỳnh kể: “Xây dựng ở vùng xa, lại không thuê được thợ ngay tại chỗ, nên mọi thứ đều phải đưa từ Hà Nội lên. Vốn mình cũng chẳng béo tốt gì, đi lại rong ruổi suốt bị gầy tong teo, vợ con tôi xót lắm”.
Ông Quỳnh vừa làm vừa kêu gọi bạn bè ủng hộ. “Quan điểm của mình ai ủng hộ ít, ủng hộ nhiều đều quý. Có người ủng hộ gạch, cửa sổ hay vài cây sắt, tôi đều nhận hết. Nói vậy thôi, tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 tỷ, ông thông gia cũng ủng hộ 1 tỷ, còn lại kêu gọi anh em bạn bè được khoảng 900 triệu nữa. Thế mới ra được cái trường khang trang giữa vùng núi này chứ”. Ông Quỳnh hồ hởi kể: Ngày khánh thành trường, Chủ tịch tỉnh- ông Bùi Văn Tỉnh cũng lặn lội lên chung vui cùng các cháu mầm non bản Rai có trường mới”.
Nói về ngôi trường mới, cô giáo Bùi Thị Thặng (37 tuổi) phụ trách ở đây vẫn còn chưa hết xúc động: “Cả trường có 30 cháu, chia làm 2 lớp, vẫn còn thừa 1 phòng học và 1 hội trường. Cả cô, trò và các bậc phụ huynh chúng em đều may mắn, khi được học tập trong một ngôi trường mầm non có thể nói là đầy đủ và tốt nhất huyện Lạc Sơn này. Cảm ơn bác Quỳnh và cảm ơn các nhà hảo tâm lắm!”.
Theo Gia Tưởng - Dân Việt
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]