Kết quả, có hơn 50% sinh viên thường đọc tài liệu chuyên ngành sau khi giảng viên giảng bài ở lớp. Chỉ có 22,5% sinh viên có đọc trước tài liệu và 13,3% đọc trước và đọc lại tài liệu sau kết thúc bài học.
Nếu chỉ ghi nhớ khi đọc mà không áp dụng các thủ thuật, thao tác phù hợp, sinh viên rất khó kết nối tri thức thành hệ thống và khi cần tái hiện hay vận dụng sẽ gặp khó khăn.
Một số sinh viên được phỏng vấn cho rằng, sau khi nghe giảng bài trên lớp mới có kiến thức nền tảng để dễ dàng tiếp thu khi tự đọc tài liệu; đồng thời có kiến thức để so sánh giữa bài học ở lớp và nội dung tài liệu.
Cũng theo khảo sát này, có hơn nửa số sinh viên thường đọc mục lục, sau đó tìm ngay nội dung chính trong tài liệu để đọc. Chỉ có 7,5% sinh viên đọc lời giới thiệu và 9,1% sinh viên đọc lời giới thiệu, mục lục, sau đó mới đọc nội dung chính của tài liệu.
Các thao tác khi đọc tài liệu cũng có nhiều điều đáng bàn, như: sinh viên chỉ đọc mà rất khi lập đề cương sau khi đọc. Nguyên nhân được chính các sinh viên cho biết là bởi ảnh hưởng thói quen học ở phổ thông, chưa có thói quen ghi chép khi đọc tài liệu nên các thao tác như ghi lại, đưa ra ý kiến so sánh, đối chiếu hay ghi lại ý chính... ít khi được sinh viên sử dụng.
Bên cạnh đó, qua trao đổi với các sinh viên, hầu hết khi đọc, sinh viên không biết tập trung vào điểm chính của tài liệu mà thường nắm bắt dàn trải; chưa biết kết nối với các tri thức khác; hầu như sinh viên không biết nhận định tổng hợp và khái quát hóa.
Ngoài những thông tin trên, hàng loạt vấn đề khác được đưa ra trong khảo sát và cho thấy, những đối tượng khảo sát còn yếu nhiều kỹ năng khác, như: Xác định dẫn chứng minh họa trong tài liệu; bổ sung, mở rộng, phân tích sự kiện, hiện tượng, nội dung tài liệu; sơ đồ hóa, mô hình hóa nội dung tài liệu; lập đề cương toàn bộ nội dung tài liệu...
Tri thức chuyên ngành được trang bị thực sự quan trọng trong việc xây dựng và hình thành kỹ năng đọc cho sinh viên.
Trước thực trạng này, TS Cao Xuân Liễu cho biết đã tiến hành thực nghiệm các biện pháp rèn luyện kỹ năng đọc tài liệu chuyên ngành Tâm lý học.
Việc thực nghiệm qua ba bước: Cung cấp cho sinh viên kỹ năng đọc tài liệu chuyên ngành, cung cấp các tài liệu về Tâm lý học phát triển để sinh viên đọc, đồng thời nhận xét, đánh giá và góp ý cho sinh viên; triển khai hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng đọc tài liệu và cuối cùng là kiểm tra, đánh giá.
Các kỹ năng đọc tài liệu được chia cụ thể thành các nội dung: Kỹ năng xác định nội dung chính; kỹ năng xác định luận điểm cơ bản của mỗi đoạn trong tài liệu; kỹ năng xác định dẫn chứng minh họa trong mỗi đoạn; kỹ năng bổ sung, mở rộng, phân tích sự kiện, hiện tượng; kỹ năng sơ đồ hóa, mô hình hóa nội dung tài liệu và kỹ năng lập đề cương cho toàn bộ nội dung.
TS Cao Xuân Liễu cho biết, sau một thời gian trực tiếp tiến hành biện pháp trên, kỹ năng đọc tài liệu của các sinh viên có thay đổi tích cực, trong đó, sinh viên đã có nhiều thao tác thực hiện các hoạt động đọc phù hợp.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]