Thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường Nhân Việt phát biểu tại hội thảo
Khan hiếm giáo viên tư vấn hướng nghiệp
Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các trường THPT phải có bộ phận tư vấn hướng nghiệp (TVHN) cho học sinh, tuy nhiên không phải trường nào cũng có bộ phận này và công tác hướng nghiệp của mỗi trường cũng làm khác nhau.
Hàng năm, một số trường ĐH, CĐ phải giải quyết cho các SV xin chuyển ngành, chuyển trường, nghỉ học giữa chừng, hay tiếp tục gắng gượng học khi không thể tìm thấy mục tiêu và hứng thú trong ngành học, dù con số không nhiều, nhưng là có thật.
Chia sẻ tại Hội thảo, cô Nguyễn Thị Kim Anh - Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TPHCM) - cho biết: Nhà trường thành lập phòng TVHN cho học sinh nhưng đăng tuyển nhân sự làm công tác này từ đầu năm đến nay vẫn chưa tuyển được, vì không phải giáo viên nào cũng làm được công việc này. Nên chăng, các trường ĐH, CĐ cấp tốc mở ngành TVHN để đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này.
Theo ông Lưu Quốc Khanh – Chuyên viên phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học (Sở GD&ĐT TPHCM), thực trạng công tác hướng nghiệp cho học sinh tại TPHCM là chỉ 20% học sinh có hiểu biết đầy đủ, 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 75% học sinh thiếu hiểu biết về ngành chọn học.
Trong những năm gần đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã có nhiều hoạt động và giải pháp để công tác này được các quản lý và trường học quan tâm đầy đủ.
Một điểm mới trong hội thảo về tư vấn tuyên sinh lần này là có đại diện doanh nghiệp tham gia. Theo bà Phạm Thị Xuân Nguyệt – Giám đốc Nhân sự Công ty CSC, sinh viên muốn theo ngành CNTT phải lưu ý xem khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ của mình.
“Nước ta cần thực hiện công tác hướng nghiệp thật sớm để được bồi dưỡng đầy đủ. Chờ lên THPT mới làm công tác hướng nghiệp thì hơi muộn” – bà Nguyệt chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo cũng cho rằng, hiện nay có thực trạng các đoàn chuyên gia tư vấn hướng nghiệp gồm những thành viên của các trường ĐH, CĐ khi đi tư vấn thì nặng về hướng trường hơn hướng nghiệp cho học sinh.
“Nóng” về kỳ thi THPT quốc gia
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - cung cấp nhiều thông tin quan trọng về Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức theo cụm, gồm: Cụm thi liên tỉnh: Cả nước có 34 cụm (qui mô khoảng 20 – 30 ngàn thí sinh/cụm); Các cụm thi do các trường ĐH chủ trì tổ chức, Sở GD&ĐT phối hợp, chỉ có các địa phương khó khăn mới có cụm thi của địa phương.
Liên quan đến hồ sơ đăng kí dự thi (HSĐKDT), TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý những điểm khác biệt thí sinh và giáo viên cần chú ý là: Không đặt vấn đề thi vào trường nào mà chỉ đăng ký thi môn thi nào, cụm thi nào, mục đích dự thi. Thí sinh (TS) sẽ đăng kí dự thi tại trường THPT đang học.
TS tự do đăng kí thi tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 (ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7/2015) giống như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây.
Về cấu trúc đề thi, về cơ bản không khác so với đề thi kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.
Về môn thi, để được xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ các thí sinh thuộc nhóm 1 và nhóm 2 sẽ phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Môn thứ tư được chọn trong số 5 môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Thí sinh nhóm 3 chỉ phải dự thi các môn thi theo yêu cầu của ngành, trường mà thí sinh đăng ký xét tuyển (phổ biến là 3 môn). Thí sinh chọn từ 5 môn trở lên sẽ là phổ biến, thậm chí dự đoán các học sinh càng giỏi sẽ đăng ký dự thi càng nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
“Theo báo cáo của 428 trường ĐH, CĐ thì gần như tất cả các trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, nếu chia theo mức độ sử dụng thì có hai nhóm: 235 trường (135 trường ĐH, học viện và 100 trường CĐ) chỉ sử dụng kỳ thi THPT quốc gia, 192 trường (81 trường ĐH và 111 trường CĐ) vừa sử dụng kỳ thi THPT quốc gia, vừa sử dụng kết quả học tập để xét tuyển, theo phương thức một phần nọ một phần kia” – TS Nghĩa chia sẻ..
Tại hội thảo, thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường Nhân Việt - cho biết: Trường gặp nhiều khó khăn về công tác hướng nghiệp. Công tác hướng nghiệp nên được thực hiện từ THPT, tập huấn hướng nghiệp cho đội ngũ thầy cô như tập huấn chuyên môn” – Thầy Hiếu đề nghị.
Nhiều giáo viên thể hiện sự quan tâm rất lớn về dự thảo Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015. Thầy Bùi Trí Viễn (Trường THPT Trí Đức) đề nghị Bộ GD&ĐT sớm phổ biến quy hoạch, tổ chức các cụm thi, cấu trúc đề thi để các trường sớm có những bước chuẩn bị ôn tập cho học sinh.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]