Thí sinh xếp hàng để nộp lệ phí và hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Q.Anh
Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 vừa diễn ra như chơi trò trốn tìm khiến nhiều thí sinh và người nhà cảm thấy mệt mỏi với chuyện rút - nộp hồ sơ. Các trường ĐH, CĐ cũng lo lắng đủ bề, chỉ mong thời hạnkết thúc đến nhanh. Các chuyên gia nhận định, kỳ tuyển sinh năm nay đã tạo ra một số hệ lụy cần phải khắc phục.
Căng thẳng, mệt mỏi tới phút chót
Những tưởng “thoát” được một kỳ thi ĐH, CĐ nặng nề như mọi năm, bởi chỉ phải nộp hồ sơ xét tuyển là “xong”, thậm chí chỉ cần ngồi nhà gửi lệ phí, hồ sơ xét tuyển rồi ngồi chờ giấy báo điểm... thế nhưng, với hàng trăm nghìn thí sinh đạt ngưỡng vào ĐH, CĐ năm nay, kỳ xét tuyển quả là một cực hình, mất thời gian, công sức và cả tiền bạc. Trong khi, tương lai chuyện đỗ - trượt vẫn còn ở phía trước.
Càng tới những ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) vào ĐH thì không khí căng thẳng, bức bách lại càng cao trào. Các trường ĐH liên tục phải cập nhật thông tin một ngày một lần, thậm chí có trường thông báo đến vài lần/ngày. Thế nhưng, lượng thí sinh trong các ngày từ 18/8, nhất là trong ngày 20/8 (ngày cuối của hạn nộp hồ sơ), lượng thí sinh rút - nộp vẫn cứ tăng khiến điểm chuẩn các trường biến động mạnh. Loay hoay như “chơi chứng khoán”, cả thí sinh lẫn người nhà căng mình “dò” thông tin, rồi “cân não” quyết định rút hồ sơ trường này, nộp hồ sơ sang trường nọ.
Mệt mỏi sau cả ngày đi hết trường này tới trường khác để rút - nộp hồ sơ, cuối cùng quyết định nộp vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh Nguyễn Đức Anh (ở Trực Ninh, Nam Định) chia sẻ: “Em lên Hà Nội cả tuần nay, ban đầu cũng nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH theo dấu bưu điện. Nhưng xem trên thông tin của các trường ĐH thấy điểm số biến động quá, em được 24 điểm, điểm này mọi năm đỗ rất nhiều trường, nhưng năm nay xét thấy mình như tụt lại phía sau. Chênh 0,25 điểm là đã xếp sau cả trăm bạn. Sợ không đỗ, em lại lên rút hồ sơ để qua trường khác nộp. Đi lại, ăn ở tốn kém mà tới giờ vẫn chưa biết đỗ hay trượt”.
Tương tự, với trường hợp của em Bùi Bích Hà (ở Kỳ Sơn, Hòa Bình) được 19,5 điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua cũng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vì mức điểm này năm nay được coi là thấp. Hà tâm sự: “Năm nay điểm thi cao quá, nên mức điểm của em toàn bị bật khỏi nhóm xếp hạng mà chiếu theo chỉ tiêu thì em bị trượt. Thành ra em cứ phải đi rút và nộp sang trường khác. Mà trường nào cũng thế, các bạn được 23 - 24 điểm còn chưa chắc suất, huống chi đến lượt mình. Đi nộp hồ sơ xét tuyển xếp hàng chờ đợi để nộp, đến lúc rút cũng thế, rất mệt mỏi”.
Các trường sẽ làm đề án riêng?
Chiều 20/8, dạo qua một vòng các trường ĐH ở Hà Nội như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại... đều diễn ra là tình trạng đông nghẹt thí sinh đến rút - nộp hồ sơ và trên mặt ai cũng xuất hiện sự mệt mỏi. Hầu như các thí sinh, người nhà cũng chỉ biết nộp trong vô vọng vì điểm cao chưa chắc đã đỗ bởi điểm số được mỗi phút, mỗi giờ biến động. Suốt hơn nửa tháng qua, kỳ tuyển sinh ĐH năm 2015 đã gây rối loạn trong khâu xét tuyển.
Chứng kiến bao cuộc “đổi mới” thi cử của ngành giáo dục nước nhà suốt nhiều năm qua, PGS Văn Như Cương đã rất “tâm trạng” ví von rằng, việc xét tuyển vào ĐH như hiện nay chẳng khác gì chơi một ván bài. Số lượng thí sinh đến rút - nộp hồ sơ vào các trường càng nhiều, tỉ lệ thuận với sự lo lắng và may rủi. Thí sinh không được định hướng rõ ràng nên như đang chơi bài. Tất cả đều chỉ gây bất lợi, căng thẳng cho thí sinh lẫn người nhà.
“Kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí, vất vả cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều. Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày qua luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện đề án kỳ thi quốc gia 2015 chỉ cho thấy những bất cập và khó khăn. Những gì diễn ra có thể thấy rằng, kỳ thi sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu như tiếp tục áp dụng cho các năm sau nữa sẽ là thảm họa” - PGS Văn Như Cương chia sẻ thêm.
Nhiều chuyên gia nhận định, những rắc rối của kỳ xét tuyển sẽ còn kéo dài sang các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung và sẽ còn nảy sinh nhiều phức tạp hơn nữa. Bản thân các trường cũng khá mệt mỏi vì tuyển sinh kéo dài, ảnh hưởng tới kế hoạch của năm học. Lãnh đạo một số trường cho biết, sẽ tự nghiên cứu xây dựng đề án riêng để tuyển sinh, nhằm để tạo ra sự “an toàn” cho nhà trường vào năm sau.
Trước những bất cập từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015 và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai năm học 2015 - 2016, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm từ Bộ đến các địa phương, các trường về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả,… kỳ thi THPT Quốc gia. Đồng thời, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm sau. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]