Ông bảo, học không phải để đi làm, mà học để hòa nhập, để giúp ích cho cộng đồng, và đặc biệt là giúp ích cho con cháu. Việc học dù có gian nan, nhưng với ông, có khó khăn mới thấy quý những gì mình đạt được.
Ông Trần Cam Ly trở thành tân cử nhân ở tuổi 70.
Đậu đại học ở tuổi 65
Người đàn ông mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Trần Cam Ly (71 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, ngay từ lúc còn nhỏ ông Ly phải một buổi đến trường, một buổi về nhà giúp đỡ cha mẹ. Nhưng mới chỉ học đến trình độ trung học thì ông phải nghỉ học vì mẹ bị bệnh nan y qua đời. Còn người cha già ngày càng yếu không thể kiếm ra tiền cho ông ăn học. Ông Ly đành gác lại giấc mơ đến trường để làm việc nuôi sống bản thân. Cũng trong thời gian này, ông xin được dạy tại một trường học của Pháp, công việc của ông là dạy tiếng Pháp và tiếng Campuchia.
Là người mang hai dòng máu Việt - Campuchia, ông vẫn ngày ngày tận tụy với công việc của mình, vừa nuôi sống bản thân, vừa là để trau dồi kiến thức, tiết kiệm tiền bạc thực hiện giấc mơ quay lại tiếp tục học. Cũng trong thời gian này, ông Ly gặp được vợ, người gắn bó với ông trong những ngày tháng khó khăn.
Từ nhỏ đến lớn, ông sống và làm việc tại Campuchia, đến năm 1970, ông cùng vợ và các con trở về Việt Nam, bắt đầu một cuộc sống mới. Nhà đông con, đất nước đang chịu thiệt hại nặng vì chiến tranh, cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn ông đi theo dòng chảy của nó. Dù khó khăn là thế, nhưng ông Ly vẫn mơ ước một ngày nào đó, khi cuộc sống khá hơn, ông sẽ lại đến trường, thực hiện ước mơ học đại học.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông lại muốn đem những kiến thức mà mình tích lũy được để truyền đạt lại cho con em nơi ông sinh sống. Với những cố gắng và lòng tâm huyết của mình, ông được ngành GD-ĐT huyện Châu Thành (nay là TP. Bà Rịa) nhận vào giảng dạy. Gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp, năm 2004, ông nghỉ hưu, sống cùng con cháu. Tưởng rằng, mong ước một đời là được tiếp tục theo học đại học của ông sẽ tắt lịm khi ông đã sắp bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Vậy mà, niềm háo hức của ông vẫn còn vẹn nguyên như thời trai trẻ. Để rồi, bốn năm sau ngày nghỉ hưu, khi mà các con đã lớn, đã lập gia đình, ông lại ngày đêm học tập và thi đậu vào trường đại học Luật TP.HCM.
Vậy là ở tuổi 65, ông Ly lại cắp sách đến giảng đường như những sinh viên khác, ngồi học cùng những sinh viên chỉ bằng tuổi con cháu mình, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Với ông: "Học không chỉ cho bản thân, mà học còn để cho các bạn trẻ hiểu rằng dù ở tuổi nào cũng vẫn phải học tập. Bằng cấp đạt được chỉ là phương tiện để vào đời, cái quan trọng là học để chiếm lĩnh tri thức, để giúp ích cho xã hội mình đang sống".
Tân cử nhân U70
Chúng tôi đến phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa hỏi thăm đường đến nhà ông Trần Cam Ly. Khi chúng tôi đến, ông Ly còn đang trên đường từ TP. HCM về nhà, hỏi vợ ông thì được biết, sau khi tốt nghiệp trường đại học Luật, chồng bà vẫn chưa muốn kết thúc việc học. Thế là từ tháng 5/2013, ông lại đăng ký học nghề Luật sư khóa 14/1 tại Học viện Tư pháp (cơ sở tại TP.HCM). Phải chờ gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới được gặp ông Ly.
Ông giờ tuổi đã cao, tóc đã bạc, nhưng nước da vẫn hồng hào. Tuy giọng nói và cử chỉ không còn được nhanh nhẹn, nhưng người đàn ông ấy vẫn còn rất minh mẫn. Nếu không được giới thiệu trước, hẳn chúng tôi sẽ không tin người đàn ông ấy vừa trở thành tân cử nhân trường Luật và giờ đang học tiếp những khóa học khác, bổ sung kiến thức để tư vấn pháp lý miễn phí cho những người dân nghèo.
Với đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng, ông Ly và vợ chắt bóp chi tiêu để lo trang trải học phí và những khoản tiền khác. Khó khăn là vậy nhưng ông chẳng bao giờ bỏ cuộc, ông chia sẻ: "Biển học vô bờ, mình đã chọn con đường học thì phải theo đuổi đến cùng, mỗi ngày đến trường là một ngày mình được biết thêm nhiều điều bổ ích, nhiều điều mới mà trước đây mình không có điều kiện học". Có lẽ, chính cái niềm hân hoan đó đã không cản bước được ông trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Quảng đường gần 100km từ nhà lên TP.HCM chẳng là gì với ông, khi ông vẫn một mình, cùng chiếc xe máy ngày ngày đến trường.
Hỏi ông về những kỷ niệm đáng nhớ thời sinh viên, ông vui vẻ: "Cũng như bao sinh viên khác, mình cũng đến trường, cũng lo chỗ trọ, lo sách vở và lo các kỳ thi... Ngày đầu đến trường, khi mới vừa bước lên cầu thang giảng đường, một nhóm sinh viên gặp tôi và cúi đầu: "Chào Giáo sư". Lúc đó, tôi thấy rất bối rối nhưng cũng chỉ cười rồi bước tiếp lên phòng học. Tuổi đã cao nên khả năng tiếp thu bài không bằng những bạn trẻ, vì thế những bài nào khó hiểu, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Học phải kiên nhẫn, và phải biết vượt qua những áp lực".
Với những người như ông Ly, tuổi tác chỉ đơn giản là những con số, không ảnh hưởng gì đến những mục tiêu phấn đấu của đời mình. Ông đi học, nhiều người thầm cảm phục, nhưng cũng có kẻ không ưa vì nghĩ ông già rồi, học cho lắm rồi cũng có làm được gì đâu, ông chỉ cười: "Sự học không phân biệt tuổi tác, học không chỉ để lấy bằng cấp, để khoe khoang, mà học để sống cho kịp với thời đại, để giúp đỡ cộng đồng. Tôi mong mình có sức khỏe và kiến thức để mở văn phòng tư vấn pháp lý cho những người dân nghèo. Tôi già rồi vẫn còn muốn đi học là vì để con cháu noi theo, luôn chịu khó học hành chứ không bỏ giữa chừng, không tự bằng lòng với những gì mình có. Nếu còn khỏe và minh mẫn, tôi vẫn sẽ học nữa".
Bà Nguyễn Thị Diễn (66 tuổi, vợ ông Ly) cho biết: "Việc đi học đại học của ông Ly cũng bình thường, tôi luôn động viên chồng học. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn tự mình chạy xe máy từ nhà lên Sài Gòn học.
Từ ngày ông đi học tôi cũng thấy vui vì các cháu nội ngoại trong gia đình có thể nhìn vào ông như một tấm gương để phấn đấu chăm chỉ học hành. Ông đi học, tôi vui vì những câu chuyện về trường lớp ông mang về nhà kể". Có lẽ, chính "hậu phương" vững chắc đó, cùng với những lời động viên và khuyến khích của những người con đã giúp ông vượt lên những khó khăn. Để đến hôm nay, ông Ly đã được cầm trên tay tấm bằng cử nhân, thành quả của nhiều năm trời không ngừng phấn đấu. Tấm bằng đại học sẽ giúp ông Ly sớm thực hiện được ước muốn giúp đỡ người nghèo. Và đặc biệt ông trở thành tấm gương cho con cháu noi theo trong học tập.
Người cha của 6 con là giáo viên
Không chỉ được biết đến là người suốt một đời phấn đấu cho sự học, ông Ly còn được biết đến là một người cha, người ông mẫu mực. Không chỉ nuôi dạy các con nên người, ông còn giúp các con được học hành tử tế để tìm được những công việc ổn định. Trong số 7 người con của ông thì có đến 6 người theo nghề giáo, giảng dạy ở nhiều trường trong địa bàn tỉnh và TP.HCM.
Nhiều cán bộ công tác tại UBND phường Phước Nguyên (TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết: "Ông Trần Cam Ly là một công dân tốt, sống hòa đồng với mọi người. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn cố gắng học tập, đây là một tấm gương cho các thế hệ học sinh tại địa phương. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một Trưởng ban công tác Mặt trận nơi khu phố, được bà con lối xóm thương yêu, kính trọng".
Theo Công Thư - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]