Thầy Tô Ngọc Sơn và học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An
Thầy Sơn tâm sự: Để áp dụng Thông tư 30 vào thực tiễn đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng trong giảng dạy, tôi đã phải tự tìm tòi học hỏi rất nhiều, từ nghiên cứu kĩ Thông tư đến học hỏi đồng nghiệp nhằm giải quyết những thắc mắc ban đầu.
Một loạt câu hỏi được đặt ra: Phải ghi nhận xét thế nào? Bao nhiêu câu từ là vừa, là đủ? Nội dung nhận xét làm sao để phù hợp và sát với từng đối tượng học sinh? Lời tư vấn thế nào để kích thích học sinh tiến bộ? Rồi về mặt chữ viết liệu có đảm bảo yêu cầu hay không? ….
Thầy Tô Ngọc Sơn là gương mặt giáo viên tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp, cũng là một trong những gương mặt nhà giáo xuất sắc của ngành Giáo dục được vinh danh giai đoạn 2008 - 2013.
Thế là tôi mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp những thắc mắc của mình, cùng đồng nghiệp trong tổ, trong trường ngồi lại “tìm kế sách”.
Cuối cùng, chúng tôi đã xây dựng được một ngân hàng những lời nhận xét. Và, mọi vướng mắc trước đây đã được giải tỏa phần nào.
Cùng với việc tìm hiểu, tra cứu thêm trên mạng những kinh nghiệm của đồng nghiệp từ các nơi, thầy Sơn đã tích lũy được khá nhiều “vốn liếng” sẵn sàng vận dụng để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Kiến thức, tâm lý đã sẵn sàng, nhưng thầy Sơn cho biết, khi bắt tay thể hiện vào sổ theo dõi lại ngần ngại, không dám thực hiện. Một lần nữa, vấn đề này được thầy “tâm sự” với Hiệu phó chuyên môn.
“Tôi rất tâm đắc và cảm thấy tự tin hơn trước lời động viên, khuyến khích của cô: “Em cứ mạnh dạn làm. Không nên ghi nhiều, lời nhận xét ngắn gọn miễn làm sao giúp em theo dõi được học sinh và rèn luyện được kiến thức kĩ năng, khắc phục được những hạn chế về năng lực và phẩm chất để các em có thể tự tin hơn, hăng say hơn trong học tập” - Thầy Sơn tâm sự.
Những kinh nghiệm chia sẻ
Kể từ khi áp dụng cách đánh giá mới, thầy Sơn cho biết, mình và học sinh không còn quay cuồng với điểm số nữa. Thầy dành nhiều thời gian để tư vấn tại chỗ cho học sinh, giúp các em khắc phục ngay những hạn chế.
Nguyên tắc khi đưa ra nhận xét là: Khen ngợi những gì các em làm được, dù là việc nhỏ để khuyến khích. Chẳng hạn: Các em trình bày sạch đẹp, chữ viết tốt, làm bài nhanh - mặc dù bài làm có thể chưa đúng hết…
Thầy Sơn kể: Lớp tôi có một học sinh làm bài không cần biết đúng sai, cứ viết “đại” vào cho nhanh để nộp cùng bạn.
Tôi theo sát em này, luôn khen ngợi việc làm bài nhanh của em, khen trước lớp, nhưng mạnh dạn phê bình riêng. Cùng với đó, tư vấn cho học sinh cách làm, cách vận dụng từng kiến thức, lựa chọn kiến thức cho phù hợp với yêu cầu đề bài.
Lời tư vấn cũng cần gọn và sát với yêu cầu, không nói quá rộng, càng cụ thể, cô đọng càng giúp học sinh hiểu bài hơn.
Cũng từ những lời nhận xét và theo cách thức đó, thầy Sơn lấy lại ý chính để ghi vào sổ theo dõi. Tùy theo những hạn chế của học sinh về năng lực, phẩm chất mà có hướng rèn luyện trong tháng giúp học sinh “trúng” và “đúng”.
Chẳng hạn, nếu thấy học sinh chưa tích cực tham gia các hoạt động trong nhóm, trong trong tháng đó,t hầy Sơn sẽ chú tâm vào hình thức làm việc nhóm.
Sau khi thảo luận nhóm xong, mời học sinh nhận xét từng thành viên trong nhóm, chỉ ra những việc các em đóng góp xây dựng trong nhóm. Đây là cơ sở để ghi vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
“Kết quả lớn từ việc thay đổi cách đánh giá là học sinh của tôi tự tin, mạnh dạn, không còn rụt rè, nhút nhát như trước đây. Các em không còn sợ ba, mẹ buồn phiền vì điểm kém, không sợ dấu tích không tốt in dấu trên trang vở trắng của mình.
Các em luôn được nhận xét, tư vấn tại chỗ một cách nhẹ nhàng, tránh đi mặc cảm tự ti,… Tất cả những điều đó khiến học sinh phấn khởi, mạnh dạn tham gia các hoạt động.
Lời nói của các em giờ lưu loát hơn trước vì em nào cũng được nói, được trao đổi trực tiếp với thầy cô, thầy trò gần gũi” - Thầy Sơn vui mừng chia sẻ.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]