“Ép” phụ huynh, học sinh chịu thiệt
Đã gần hết học kỳ I, nhưng hai anh em Hoàng Tầm Thường (SN 2000, học lớp 9) và em Hoàng Thị Thanh Thúy (SN 2004, học lớp 10), trú tại thôn Đông Yên vẫn chưa được tới trường. Em Thúy buồn bã: “Em rất muốn được đi học nhưng bị trường cũ là THCS Kỳ Lợi “gạch tên”, trường mới thì cách nhà 25km nên bố mẹ sợ đi xa mệt. Nhiều hôm em phải mở sách đã mua từ đầu năm ra ngắm cho đỡ nhớ bạn, nhớ thầy cô”.
Các hộ dân thuộc diện giải tỏa rất lo lắng việc học hành của con em họ
Thường, Thúy là hai trong số 132 học sinh, con em của gần 100 hộ dân tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi chưa được tới trường vì lý do như trên. Theo phản ánh của người dân tại đây, sở dĩ họ phản đối lên khu tái định cư là bởi không biết được lý do phải di dời, giải tỏa nhà cửa để phục vụ cho dự án đầu tư nào. Hơn nữa, có sự không công bằng giữa các hộ dân trong quá trình đo đếm, định giá tài sản trước khi di dời. Có nhà con cái chưa lập gia đình nhưng lên khu tái định cư vẫn được cấp 400m2 đất; trong khi có gia đình chỉ được chia 120m2…
Ông Phạm Văn Thế, thôn Đông Yên bức xúc: “Chúng tôi vẫn đang ở đây, trường Kỳ Lợi vẫn học bình thường thì tại sao họ lại chuyển học bạ con tôi sang trường tái định cư cách xa gần 25km? Chúng tôi lên xin học tạm thì nhà trường cũng không cho!”.
Thông tin chậm trễ, thiếu rõ ràng?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Kỳ Anh, cho biết, vẫn đang vận động các em đi học và đã yêu cầu trường sắp xếp lịch dạy bù. “Ngay từ đầu năm học, huyện đã bố trí hai xe ô tô đưa đón, nhưng các phụ huynh không muốn cho con em tới trường do liên quan đến việc tái định cư”, ông Sum nói.
Gần ba tháng nay, 132 học sinh xã Kỳ Lợi phải nghỉ học ở nhà
Chia sẻ với băn khoăn của người dân về việc phải di dời, giải tỏa để phục vụ dự án nào, phóng viên Báo Giao thông đã liên hệ với lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương nhưng lần lượt bị từ chối trả lời. Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi Hà Huy Cận cho biết, không có thẩm quyền phát ngôn và đề nghị liên hệ với người phát ngôn của huyện là Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Minh Hoàn. Ông Hoàn từ chối làm việc với lý do bận và giới thiệu ông Võ Tá Cương, Phó Chánh văn phòng huyện. Ông Cương yêu cầu PV liên hệ với ông Đức, Phó trưởng ban GPMB huyện, nhưng ông Đức cho biết, không có thẩm quyền phát ngôn. Vòng vèo thêm một lượt liên hệ nữa, PV mới tìm được câu trả lời từ Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Dương Thanh Hòa. Theo ông Hòa, khu đất giải tỏa của các hộ dân nói trên thuộc khu vực quy hoạch dự án Luyện thép và lọc hóa dầu của Formosa (giai đoạn 2).
Là một dự án lớn trên địa bàn nhưng không hiểu tại sao các cơ quan có trách nhiệm huyện Kỳ Anh lại không công bố sớm, rộng rãi, công khai cho người dân để họ đồng thuận với chính quyền địa phương. Và cũng thật khó hiểu khi phóng viên liên hệ để tìm câu trả lời cho người dân thì hàng loạt lãnh đạo các cấp lại có ý né tránh.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]