Một trong những bộ phận cấu thành chương trình toán ở tiểu học là “những yếu tố hình học” nhằm chuẩn bị cho việc học hình học ở cấp học cao hơn, đồng thời giúp học sinh những hiểu biết cần thiết khi tiếp xúc với tình huống toán học trong cuộc sống hằng ngày.
Qua thực tế giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hòa Hương (Trường Tiểu học Tam Hồng 2 - huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết: Ở nội dung kiến thức này, kết quả dạy của giáo viên cũng như việc học của học sinh gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả cao
Những khó khăn thường gặp của giáo viên, học sinh
Cô Nguyễn Thị Hòa Hương cho biết, trước đây khi dạy bài “Diện tích của một hình”, giáo viên thường đặt một miếng bìa trắng hình chữ nhật vào trong một miếng bìa đỏ hình tròn (như Sách giáo khoa) cho học sinh quan sát rồi nêu: “Hình chữ nhật nằm hoàn toàn trong hình tròn” - ta nói: “Diện tích hình chữ nhật lớn hơn diện tích hình tròn”. Sau đó vài học sinh nhắc lại.
Với cách làm này, cô Hương cho rằng, chỉ một mình giáo viên hoạt động, cả lớp chỉ ngồi khoanh tay nhìn, thậm chí có thể có học sinh không nhìn, hoặc không tập trung.
Hoặc khi dạy dạng bài toán “Xếp ghép hình”, hầu hết giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hiện theo thao tác mẫu của giáo viên hoặc hướng dẫn theo kiểu áp đặt chứ chưa chú trọng phân tích hướng dẫn học sinh tự tìm cách xếp ghép.
Đối với học sinh, trong thực tế dạy học, cô Hương nhận thấy, khi học “Nhận dạng hình hình học”, cụ thể bài “Góc vuông; góc không vuông”, hầu hết học sinh còn nhiều lúng túng khi sử dụng đồ dùng học tập (ê ke) để thực hiện hoạt động thực hành xác định góc vuông hay góc không vuông.
Khi giải bài tập hình học, học sinh thường nhầm lẫn mối quan hệ giữa chu vi với diện tích trong trường hợp hình được chia thành các hình nhỏ.
Trong giải toán hình học, học sinh thường sai lầm về đơn vị tính. Chẳng hạn, xác định không đúng đơn vị tính như tính diện tích mà ghi đơn vị độ dài; hoặc thực hiện phép tính khi hai đại lượng có đơn vị tính khác nhau.
Cô Hương cho biết, các bài toán có nội dung hình học ở lớp 2, 3 yêu cầu thực hành đối với mỗi học sinh như: Nhận dạng hình, đo độ dài, tính chu vi, diện tích hình chữ nhật, hình vuông, vẽ hình, gấp hình, xếp ghép hình.
Song việc thực hành giải toán học sinh còn nhiều hạn chế về việc lập kế hoạch giải, hạn chế về lời văn khi trình bày bài giải; do đó, kết quả bài làm của các em chưa cao. Sau khi làm xong các em chưa thành thạo trong việc kiểm tra kết quả bài làm.
Giải pháp
Muốn học sinh nhận biết và có kỹ năng giải toán tốt đồng thời nâng cao chất lượng trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, theo cô Nguyễn Thị Hòa Hương, giáo viên cần củng cố các kiến thức có liên quan, đưa về hệ thống các bài tập và cách dạy học các hệ thống đó.
Các dạng bài tập giáo viên cần xác định hệ thống như: Nhận dạng các đối tượng hình học (bài tập đưa ra từ dễ đến khó); tạo hình bằng cách ghép hình; vẽ hình, dựng hình.
Những bài tập có tính phát triển cao như: Nhận biết các hình học (trên từng một mặt phẳng); biến dạng hình dạng hình học.
Riêng dạng tính toán các đại lượng hình học, cô Hương cho rằng, đây là dạng bài tập định lượng cơ bản chiếm đại đa số trong chương trình. Do đó, học sinh cần phải nắm chắc được dạng bài tập này.
Nhưng, ở dạng này, học sinh thường bế tắc trong việc tìm hướng giải; xác định mối liên hệ giữa các đại lượng hoặc thường nhầm lẫn giữa các đại lượng hoặc nhầm lẫn đơn vị tính.
Do đó, giáo viên khi giảng cần cần chú ý đến yếu tố liền kề; liên tục về đoạn thẳng (cạnh của các hình liền kề và liên tục với nhau tạo thành mảng có biên khép kín) và nguyên lí chồng chất về diện tích (diện tích của hình phải ghép bằng tổng diện tích các hình đã có).
Ở dạng xếp ghép hình, đòi hỏi học sinh phải có khả năng thực hành và có tư duy trừu tượng. Khi dạy các bài tập dạng này, cô Hương chia sẻ, giáo viên thường để học sinh tự mò mẫm, hoặc hướng dẫn cho học sinh theo kiểu áp đặt.
Như thế, học sinh thực hành một cách thụ động thiếu sự sáng tạo, không thể hình thành và phát triển tư duy.
Do đó trong quá trình giảng dạy giáo viên cần từng bước hình thành kĩ năng chia cắt hình “phải ghép” thành các hình ban đầu “đã có”
Dạng nhận diện hình, để giải tốt, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc các khái niệm về hình hình học; có khả năng khái quát và có tư duy trừu tượng.
Với dạng bài tập này, học sinh thường mò mẫm giải theo kiểu đếm. Khi đó học sinh mắc phải sai lầm là bỏ sót hình hoặc đếm lặp hình
Để giải tốt bài tập này, giáo viên cần yêu cầu học sinh tái hiện lại khái niệm hình tam giác và khái niệm hình vuông. Sau đó hướng dẫn học sinh cắt hình để loại bỏ các yếu tố không liên quan.
Lưu ý chung, khi hướng dẫn học sinh giải bài toán có yếu tố hình học ở tiểu học, cô Hương cho biết cần chú ý các yêu cầu sau:
Cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề toán; cần xác định các kiến thức có liên quan đến bài toán như công thức tính chu vi, diện tích, kĩ thuật tính toán, đổi đơn vị đo…;
Hình vẽ phải đảm bảo tính trực quan, chính xác, thao tác vẽ hình phải đảm bảo phù hợp với tư duy học sinh;
Yêu cầu từ thấp đến cao về đặt lời cho từng phép tính và phần phân tích.( đối với học sinh giỏi phải yêu cầu ở mức cao hơn);
Giáo viên phải chú ý đến kĩ năng đặt câu hỏi kết hợp với thao tác vẽ hình. Việc hướng dẫn giải toán có những yếu tố hình học ở tiểu học chỉ đạt hiệu quả khi giáo viên chọn được hệ thống bài tập tốt và phương pháp giải phù hợp.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng một số phương dạy học các yếu tố hình học lớp 2, 3, cô Nguyễn Thị Hòa Hương rút ra kết luận sau:
Tạo niềm hứng thú, sự say mê giải toán, bởi học sinh có thích học toán mới có sự suy nghĩ, tìm tòi các phương pháp giải bài toán một cách thích hợp.
Hướng dẫn học sinh nắm đầy đủ các kĩ năng cần thiết khi giải toán bằng phương pháp phù hợp, nhẹ nhàng, không gò bó.
Kích thích tư duy sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp trong khi tìm tòi, phát hiện "đường lối" trong giải toán.
Thường xuyên thay đổi hình thức dạy học ở mỗi bài để tránh sự nhàm chán.
Tập cho học sinh có kĩ năng tự phân tích bài toán, tự kiểm tra đánh giá kết quả của bài toán, tập đặt các câu hỏi gợi mở cho các bước giải trong bài toán.
Phải coi việc giải toán là cả một quá trình, không nóng vội mà phải kiên trì tìm và phát hiện ra “chỗ hổng” sau mỗi lần hướng dẫn để khắc phục, rèn luyện.
Nên động viên, khuyến khích các em có đưa ra phương pháp giải gần hợp lí, tránh đưa ra tình huống phủ định ngay.
Gần gũi, động viên những em học yếu môn Toán để các em có tiến bộ, giúp đỡ nhẹ nhàng khi cần thiết.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa Hương
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]