Mục tiêu để các thầy cô là những người đi đầu, là các tuyên truyền viên tích cực, từ đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: Khi đã hiểu, việc làm cũng sẽ thông
Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm với giáo dục tiểu học của Bộ GD&ĐT là một hành động thể hiện chúng ta đang đồng bộ tiến hành đổi mới. Với Hà Giang, tinh thần chung là luôn thực nghiêm những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm.
Mặc dù là một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng số lượng học sinh được học 2 buổi trên ngày của tỉnh cũng rất lớn, đặc biệt khi tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP).
Với những trường dạy 2 buổi trên ngày, Sở GD&ĐT Hà Giang quán triệt không giao bài tập về nhà. Không chỉ thế, Sở còn quy định rõ, buổi học thứ 2, giáo viên không dạy kiến thức mới, kiến thức nâng cao, càng không phải dạy lại bài đã học mà là để học sinh rèn luyện.
Với vùng khó khăn, nhiều đối tượng học sinh dân tộc như Hà Giang, thời gian này sẽ tập trung tăng cường Tiếng Việt; đồng thời, tổ chức các hoạt động mang tính chất thực hành, vận dụng; tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng để học sinh hoạt bát hơn.
Việc này phải làm một cách mềm mại, uyển chuyển, nhưng điều gì cần dứt khoát thì vẫn phải làm kiên quyết.
Tồn tại về dạy thêm, học thêm, tôi cho rằng, những thay đổi về thi cử, cách đánh giá mới dần dần sẽ làm những tiêu cực này biến mất, tất nhiên, phải dần dần, không thể ngay lập tức.
Trong Chỉ thị của Bộ GD&ĐT cũng có nội dung: Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.
Thực ra, đầu năm chúng tôi cũng có một số kế hoạch về các nội dung này. Nhưng nay, có Chỉ thị của Bộ GD&ĐT nên sẽ dừng, không tiếp tục thực hiện.
Còn về giải pháp, điều đầu tiên phải để các cán bộ, giáo viên hiểu thật rõ; bản thân mỗi thầy cô phải là người đi đầu, là các tuyên truyền viên tích cực. Khi đã hiểu thì việc làm cũng sẽ thông.
Bà Vũ Thị Phương Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng: Đồng tình cao với chủ trương không dạy thêm học thêm ở tiểu học
Chỉ thị của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học là bước tiếp nối các văn bản chỉ đạo trước đây về cấm dạy thêm học thêm ở tiểu học nhằm giảm áp lực cho học sinh để bớt đi bức xúc của xã hội.
Bà Vũ Thị Phương Vinh
Sở GD&ĐT Hải Phòng, cũng như các thầy giáo trong ngành GD-ĐT Hải Phòng đều đồng tình với chủ trương không dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học.
Từ năm học 2013-2014, ở các lớp 1 của tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã áp dụng thí điểm hình thức giáo viên không chấm điểm cho học sinh mà chỉ ghi lời nhận xét. Qua 1 năm thực hiện, hình thức mới này đã mang lại những hiệu quả nhất định, nhất là cho học sinh.
Việc không cho điểm giúp giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học, đánh giá được sự tiến bộ của học sinh, động viên, khuyến khích các em tích cực và vượt khó trong học tập, giúp các em phát huy được hết khả năng của mình.
Hình thức ghi nhận xét bảo đảm sự kịp thời, công bằng, khách quan trong các trường tiểu học. Hình thức này cũng đánh giá một cách toàn diện học sinh, đánh giá sự tiến bộ của các em, không so sánh học sinh này với học sinh khác, qua đó không tạo áp lực cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Qua một năm áp dụng hình thức không cho điểm, bản thân các em học sinh có tiến bộ rõ rệt, các em tự tin, có sự hứng thú trong học tập hơn.
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ GD&ĐT, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, đồng thời không giao bài tập về nhà cho học sinh, hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp.
Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND thành phố Hải Phòng ban hành các văn bản quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên: Thuận lợi trong triển khai vì quyết định hợp lòng dân
Ngay sau khi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng, Sở GD&ĐT Phú Yên có hướng dẫn gửi các Phòng GD&ĐT, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh và Trường phổ thông tư thục Duy Tân về việc thực hiện dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học.
Theo đó, Sở GD&ĐT Phú Yên yêu cầu các trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học ở địa phương tổ chức quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định.
Tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực.
Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Đặc biệt, không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.
Các trường thực hiện đúng quy định việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên THCS.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, Quyết định 29 của UBND tỉnh và Công văn số 93 của Sở GD&ĐT về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm.
Có thể nói, Sở GD&ĐT Phú Yên không gặp khó khăn gì trong việc triển khai chỉ thị của bộ trưởng vì đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và đã được triển khai từng bước ở Phú Yên trong vài năm qua.
"Sở GD&ĐT Phú Yên cũng như hầu hết các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn ủng hộ quyết định và các chủ trương của Bộ GD&ĐT. Việc giảm áp lực trong học tập đối với học sinh, nhất là học sinh tiểu học là điều cần thiết để đem lại tuổi thơ trong sáng cho các cháu"- ông Cường khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Học sinh tiểu học cần có thời gian thư giãn, vui chơi
Ngày 3/11/2014, Bộ trưởng Bộ GD&Đt đã kí ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học.
Việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo đối với các trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh là phù hợp.
Các trường chủ động vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các nội dung đã tập huấn vào thực tế đơn vị sao cho thu hút học sinh tham gia các hoạt động của nhà trường một cách tích cực; tạo một chơi bổ ích cho các em góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường một cách toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Huấn
Một số ít giáo viên cho rằng, việc giao bài tập về nhà để học sinh chuẩn bị hoặc phụ huynh hướng dẫn trước các nội dung, bài tập sẽ dạy tiết sau sẽ giúp cho học sinh tiếp thu bài tốt hơn.
Tuy nhiên họ không biết rằng làm như thế chính là cắt xén thời gian thư giãn, vui chơi của học sinh sau những giờ học trên lớp, thời gian đó đối với học sinh tiểu học là rất cần thiết.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo đối với các trường lớp dạy học 2 buổi/ngày giáo viên hướng dẫn, giúp cho học sinh hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, không giao bài tập về nhà cho học sinh; hướng dẫn học sinh mang sách, vở, đồ dùng học tập theo thời khóa biểu. Nơi có điều kiện tổ chức cho học sinh để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Trong tháng 11, 12/2014, Sở đã có kế hoạch tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên trong toàn tỉnh một số mô-đun mà Ban quản lí Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã phê duyệt.
Qua đó nhấn mạnh sự cần thiết, nội dung dạy học cả ngày, hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn thu hút các em, hình thành các kĩ năng cần thiết khác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diên cho học sinh.
Cũng trong chỉ thị, Bộ GD&ĐT qui định không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ, việc này không làm mất đi cơ hội để các em có một “sân chơi” trí tuệ.
Vì theo công văn, sở, phòng và trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động trên với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không gây áp lực căng thẳng cho học sinh.
Hiện tại, Bộ đã có công văn tổ chức các cuộc thi Giải toán qua internet, Giao thông thông minh … Sở GD&ĐT có công văn chỉ đạo các phòng giáo dục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ đồng thời chỉ đạo các trường tích cực tham gia các cuộc thi do Bộ tổ chức.
Qua tập huấn, cho cán bộ quản lí, giáo viên các trường tham gia SEQAP và ngoài SEQAP trong khuôn khổ Chương trình SEQAP về các mô-đun:
Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Câu lạc bộ Em yêu khoa học, Nâng cao năng lực cho Tổng phụ trách Đội, tổ chức lớp học theo Mô hình trường học mới…
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]