Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn còn nhiều băn khoăn và trăn trở với Thông tư 22.
Cụ thể, một giáo viên tiểu học xin được giấu tên tại Bến Tre cho hay: “Theo tôi, Thông tư 22 là đứa con lai giữa Thông tư 32 và 30. Tôi đi dạy được 3 năm là mỗi năm phải thực hiện một thông tư khác nhau và thấy rất vất vả.
Năm đầu tiên, tôi dạy là đánh giá chất lượng học sinh theo Thông tư 32, chấm điểm học sinh kèm theo xếp loại rất rõ ràng cụ thể. Tuy nhiên, chính những điểm số lại gây áp lực với học sinh và phụ huynh.
Năm thứ hai tôi dạy lại được thay bằng Thông tư 30. Bản thân việc ghi nhận xét làm cho giáo viên rất áp lực về sổ sách.
Trường tôi làm theo seqap (cập nhật dữ liệu online) nên phải nhận xét trên 3 loại: sổ viết tay, seqap, sổ điện tử. Học sinh rất thoải mái nhưng không có động lực để học vì khi đánh giá em nào cũng như em nào.
Năm thứ ba, tôi dạy lại thay đổi bằng Thông tư 22, tôi thấy bên ngoài có vẻ là giảm nhưng thực chất khi về các trường việc triển khai chưa đồng nhất”.
Hướng dẫn ghi học bạ theo Thông tư 22.
Chia sẻ cụ thể về những vướng mắc của Thông tư 22, giáo viên này cho biết: “Về ưu điểm, giáo viên không phải ghi nhận xét về hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất vào vở, số theo dõi, học bạ học sinh nhiều như trước nữa.
Giáo viên được phép nhận xét bằng lời, chỉ ghi những trường hợp cần thiết.
Chúng tôi dễ dàng khi đánh giá, xét thưởng cuối năm vì có quy định rất rõ ràng các mức (giống với Thông tư 32) nhưng dùng ngôn từ khác: hoàn thành tốt - hoàn thành - chưa hoàn thành và được phép dùng các ký hiệu ghi tắt trong các bảng tổng hợp.
Về phía học sinh, không áp lực về điểm số nhưng vẫn biết mức độ học của tôi ở đâu. Khen thưởng cũng sẽ công bằng hơn.
Tuy nhiên, Thông tư 22 vẫn tồn tại một số bất cập. Về phía giáo viên, sổ cá nhân nói là tài sản riêng của giáo viên, không ai được phép kiểm, nhưng trên thực tế cấp trên vẫn kiểm tra chỉ là không công khai.
Các quy ước ghi tắt để đánh giá hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất chưa có sự thống nhất giữa các học kỳ và cuối năm nên gây khó khăn là giáo viên dễ nhầm lẫn và ghi sai.
Lớp 4, 5 thêm một lần kiểm tra giữa học kỳ I, II gây nặng nề, áp lực cho các em và giáo viên.
Giống Thông tư 32, các bảng tổng hợp chỉ ghi điểm kiểm tra và các ký hiệu mức độ đạt được nhìn đơn giản nhưng chưa thể hiện tính ưu việt vì nó lại trở lại giống Thông tư 32. Mỗi năm làm 4 bảng là nhiều, vì lớp 1,2,3 không có kiểm tra giữa kỳ nên rất khó đánh giá được.
Bên cạnh đó, học bạ lớp 1 thay mới, nhưng các lớp khác phải dùng cách kẻ thêm một đường vào khung nhận xét các mục hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất tạo thành cột 'mức độ đạt được' thì không biết những quyển học bạ sẽ khó coi như thế nào? Điều này thể hiện sự không khoa học.
Ngoài ra, về phần kiểm tra theo 4 mức độ nhưng cho đến nay khi học kỳ I sắp kết thúc mà ma trận đề vẫn chưa có. Thậm chí, đề kiểm tra mẫu cũng chưa có nên một số trường cho giáo viên soạn theo ma trận đề của Thông tư 30 là điều bất hợp lý.
Còn về phía học sinh, Thông tư 22 khiến học sinh chưa có thái độ học tập tích cực vì giáo viên nhận xét bằng lời hay ghi vào vở thì các em cũng không quan tâm nhiều.
Hơn nữa, không giao bài tập về nhà thì học sinh yếu không bao giờ theo kịp học sinh khá giỏi trên lớp. Ở trên lớp học sinh yếu đã theo không kịp mà về nhà không chịu học thì cũng không biết làm sao cho các em tiến bộ.
Hướng dẫn ghi học bạ cho học sinh theo Thông tư 22.
Bản thân tôi kiến nghị về khâu kiểm tra hồ sơ giáo viên nên thoáng và có sự thông cảm cũng như tin tưởng giáo viên. Vì không tin giáo viên nên mới kiểm tra hồ sơ.
Tôi thấy khâu này không hiệu quả và cũng không làm thay đổi được chất lượng giáo dục, chỉ mang tính hình thức nhưng rất nặng nề. Nếu có thể thì cho làm trên phần mềm, chỉ in ra lúc cần thiết, điều này sẽ tránh lãng phí.
Còn về chỉ tiêu thi đua, nên để giáo viên từng lớp đặt ra theo thực tế của lớp tôi chứ không phải áp chỉ tiêu từ trên xuống dưới như hiện nay.
Việc triển khai Thông tư 22 đến các trường thông qua quá nhiều cấp quản lý nên cấp trên nói sao giáo viên làm vậy, gây khó khăn cho giáo viên.
Nếu có một chương trình trực tiếp trên mạng hay trên truyền hình để có thể trực tiếp kết nối và hướng dẫn cho giáo viên - người trực tiếp áp dụng thông tư 22 với Bộ GD&ĐT - sẽ dễ dàng tương tác và hiệu quả cũng cao hơn.
Về phía học sinh, cá nhân tôi nghĩ các em học được đến đâu thì học vì lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi đang phát triển, chú trọng dạy đạo đức và kĩ năng sống sẽ bổ ích hơn. Nếu có thể bỏ luôn những lần kiểm tra trên giấy mà thay vào đó là những bài kiểm tra thực hành kỹ năng”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]