Chủ trương ngừng chấm điểm tiểu học của Bộ GD&ĐT nhằm giúp học sinh giảm tải, đỡ áp lực học tập. (Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Bạch Mai, Hà Nội) . Ảnh: H.Nguyên
Chấm điểm bằng…ngôi sao
Năm nay, con trai chị Lê Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào học lớp 1. Thay vì khoe điểm 10 để được thưởng hàng ngày, bây giờ cháu lại chờ đợi “hoa” để báo cáo thành tích học tập với bố mẹ. Chị Hương cho biết, ở trường con chị, thay vì chấm điểm hoặc ghi lời nhận xét, cô giáo làm theo cách: Học sinh có kết quả tốt (tương đương 9-10 điểm) sẽ đóng vào bài một “dấu đỏ”, kèm theo một bông hoa bên cạnh. Học sinh nào có kết quả khá (tương đương 7-8 điểm) thì đóng “dấu đỏ” kèm theo bên cạnh một ngôi sao. Cuối học kỳ, học sinh sẽ có bài “sát hạch” như kiểu thi tốt nghiệp. Nếu học sinh nào không đạt, cô giáo sẽ kết hợp cả quá trình học để có đánh giá kết quả cuối cùng.
Một số phụ huynh cho rằng, việc giáo viên không chấm điểm sẽ khiến học sinh không phấn đấu học tập, tuy nhiên theo chị Hương, biểu hiện của con trai chị lại rất phấn khởi. “Có lần con nói với tôi, con không thích ngôi sao đâu. Ngôi sao có mỗi điểm 8 nên con không được bố thưởng KFC mẹ ạ”, chị Hương cho biết.
Một số trường tiểu học tại Hà Nội và TPHCM chọn cách “vừa chấm điểm, vừa nhận xét” để cụ thể hóa kết quả học tập của học sinh, bởi như các giáo viên cho biết, việc nhận xét học trò không đơn giản, nhất là với những lớp đông học sinh. Chị Anh Thi, phụ huynh học sinh ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, trong cuộc họp phụ huynh đầu tháng 8/2014, nhà trường thông báo năm nay sẽ không chấm điểm học sinh tiểu học. Một số phụ huynh trong lớp có ý kiến, nhà trường nên duy trì việc chấm điểm để lượng hóa thực lực học tập của học sinh và kiểm soát được học sinh tiến bộ ra sao... Vì thế, trước khi có quy định chính thức ngừng chấm điểm của Bộ GD&ĐT, học sinh ở lớp con gái chị Thi vẫn được cho điểm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Mai (Hội đồng quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm), ngay sau khi có thông tư chính thức từ Bộ GD&ĐT, nhà trường đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Bộ là không đánh giá hoc lực của học sinh bằng điểm số. Thay vào đó, giáo viên nhận xét kết quả học tập.
Vừa làm vừa…nghe ngóng
Theo chị Anh Thi, nhận xét “đạt” hay “không đạt” thoạt nghe rất dễ dàng, nhưng gây khó cho cả phụ huynh học sinh và giáo viên. Với phụ huynh học sinh, việc chấm điểm giúp họ nhìn nhận được kết quả học tập của con rành mạch hơn để có kế hoạch bồi dưỡng con khi thấy yếu môn học nào đó. Hoặc như môn Toán, giáo viên cũng phải lượng hóa xem học sinh làm đúng bao nhiêu câu, đúng bao nhiêu phần trăm bài… để áp đánh giá bằng lời nhận xét. Việc này cũng đủ “chết” giáo viên khi nhiều lớp có sĩ số rất đông như hiện nay. Đặc biệt, khi bỏ chấm điểm thì giáo viên phải rất sát sao học sinh, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thả nổi việc học vì quan niệm điểm số không quan trọng nữa.
Về phía giáo viên, một giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho rằng, nên kết hợp giữa đánh giá điểm số và nhận xét để học sinh còn biết lực học tập của mình và phấn đấu. Việc không chấm điểm phù hợp với các lớp sĩ số nhỏ, nhưng gây khó khăn cho học sinh lớp có sĩ số lớn.
Còn về phía các nhà quản lý trường học, bà Nguyễn Thanh Mai - Hội đồng quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: “Để chuẩn bị cho chủ trương ngừng chấm điểm, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã có tập huấn kĩ càng với giáo viên để thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, nhà trường quan tâm đến việc giáo viên nên nhận xét như thế nào với học sinh, khuyến khích ra sao… để học sinh có hứng thú học tập”.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ngay sau khi có thông tư của Bộ GD&ĐT về việc ngừng chấm điểm tiểu học, nhà trường và Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy đã tập huấn ngay cho giáo viên. Trong đó, có cả việc giáo viên cần làm gì để tạo hứng thú cho học sinh khi không còn cho điểm số. Bà Ngọc cho biết thêm, trong vòng một tuần nay, bà thường xuyên dự giờ bất thường ở các lớp để kiểm tra thực tiễn, tính ưu việt của chủ trương này như thế nào. “Phải đi thực tế các lớp để thấy những thuận lợi, khó khăn của giáo viên và học sinh để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi cũng lưu ý với giáo viên, nên nhận xét sao cho học sinh thấy vui vẻ đến trường vì có những lời nhận xét đôi khi còn gây áp lực, tổn thương cho học sinh nhiều hơn cả điểm số”, bà Ngọc nói.
Bộ GD&ĐT quy định, từ 15/10/2014, các trường trên toàn quốc ngừng đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số. Giáo viên nhận xét trên lớp qua bài luyện tập trên vở, bài kiểm tra viết (dưới 20 phút). Khi phát hiện lỗi trong mỗi bài, dùng bút mực đỏ chữa một vài lỗi cơ bản. Còn lại, giáo viên gạch chân những chỗ sai hoặc chưa chuẩn nhằm giúp học sinh nhận biết lỗi và rút kinh nghiệm với những lỗi tương tự. Giáo viên ghi Đ (khi học sinh làm đúng), ghi S (khi học sinh làm sai) đối với môn Toán. Đối với môn Tiếng Việt, một số bài tập cũng có thể ghi Đ (đúng), S (sai). Ngoài ra, môn Tiếng Việt cần căn cứ theo yêu cầu đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng để nhận xét riêng từng phân môn. Việc ghi nhận xét thực hiện vào thời điểm cuối tuần, cuối tháng và cuối học kỳ.
Riêng với Hà Nội, Sở GD&ĐT lưu ý: Không dùng điểm số để đánh giá năng lực nhận thức và kết quả học tập hàng ngày của học sinh dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cho điểm thưởng).
Theo Giadinh.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]