Đổi mới tuyển sinh sẽ diễn ra theo lộ trình vì vậy thí sinh không có gì phải lo lắng
Việc đổi mới hình thức tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ diễn ra trong 3 năm, đến năm 2017 là hoàn thành. Trong buổi tọa đàm, các câu hỏi chủ yếu xoay quanh việc các trường tuyển sinh riêng và hạn chế dần thi 3 chung.
Thời điểm hiện tại, mới chỉ có 17 trường ngoài công lập (trong đó có 3 trường CĐ) nộp đề án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT. Trong năm 2014, những trường có đủ khả năng, điều kiện để tuyển sinh riêng, được dư luận đồng tình và được Bộ Giáo dục thông qua sẽ chính thức tiến hành tuyển sinh riêng, với những trường chưa đủ điều kiện, vẫn sẽ tiếp tục thi 3 chung.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ không cho phép các trường thi riêng tuyển sinh từ kết quả của thi 3 chung. “Nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển thì sẽ không công bằng cho thí sinh. Hai thang đo này không giống nhau. Mục đích Bộ giao cho các trường tuyển sinh riêng là để các trường tự tìm ra phương án tuyển sinh phù hợp nhất với mình”.
Việc đổi mới dần hình thức tuyển sinh từ thi 3 chung sang thi riêng sẽ giúp kiểm tra toàn diện năng lực của học sinh, chọn người phù hợp với ngành nghề đào tạo. Các em sẽ phải học để hoàn thiện các kỹ năng của mình chứ không thể học lệch.
"Các trường sẽ được tổ chức thi tuyển sinh tối đa 2 lần/năm. Các thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào đại học hơn", thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết
Tuy nhiên, không thể đổi mới toàn diện ngay lập tức, vì vậy, Bộ Giáo dục cũng có phương án “linh động” đối với các trường. Nếu không thể tổ chức thi riêng ngay lập tức cho tất cả các chuyên ngành, các trường có thể có một số ngành thi riêng, còn lại thi 3 chung. Các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức thi riêng và đưa ra những ngưỡng tuyển phù hợp với từng trường.
Giải đáp băn khoăn của các học sinh lớp 12 về danh sách các trường tổ chức thi riêng, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết cho đến ngày 10/2, các trường sẽ nộp đề án tuyển sinh và đến 10/3, Bộ Giáo dục sẽ công bố danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan truyền thông của bộ.
Để kiểm soát chất lượng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết các trường phải đáp ứng được những điều kiện ràng buộc, tự chịu trách nhiệm về đầu vào, không được tổ chức luyện thi, không phát sinh tiêu cực, đề thi phù hợp với chương trình phổ thông và chuyên ngành. Các trường vẫn chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự giám sát của thí sinh, phụ huynh và xã hội. Đề án tuyển sinh của các trường sau khi nộp lên sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận sau đó mới được phê duyệt.
Hai cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục là ĐH QGHN và ĐH QGTP.HCM sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đề thi, kiểm định đề thi và chất lượng đầu ra các trường. Sắp tới, không chỉ tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy mà ngay cả các hệ tại chức, liên thông, không chính quy cũng phải áp dụng kiểm cha chặt chẽ chất lượng đầu vào để đảm bảo sự công bằng giữa bằng cấp của 2 hệ.
Hiện Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với nhau để phân luồng học sinh sau THCS. Nếu việc phân luồng làm tốt thì tiến tới bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học mà xét tuyển dựa trên học bạ THPT, chỉ những trường ĐH top trên, phục vụ nghiên cứu mới tổ chức thi tuyển.
Theo Bảo Linh - Timmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]