Khẳng định điều trên, Thầy giáo Trần Văn Thành (Trường THPT Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên) cho rằng, trong quá trình đổi mới kiểm tra, đánh giá cần đảm bảo tính thường xuyên và hệ thống.
Nếu việc đánh giá không thường xuyên và hệ thống sẽ không tạo được hứng thú và nề nếp học tập cho học sinh. Kiểm tra một cách thường xuyên và hệ thống sẽ giúp giáo viên đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá phải được tiến hành thường xuyên trong mỗi giờ học, thực hiện trong từng bước lên lớp.
Bên cạnh đó, khoảng cách các lần kiểm tra viết phải được tiến hành đều đặn, phải tuân theo phân phối chương trình và kế hoạch dạy học đã được lập sẵn, đã được phê duyệt. Không nên để đến cuối học kì, cuối năm mới tiến hành kiểm tra nhằm lấy đủ cơ số điểm cần thiết.
Đồng thời, đảm bảo độ tin cậy, khách quan: các bài kiểm tra viết cần tiến hành đồng thời, đề kiểm tra được thống nhất giữa các giáo viên dạy địa lí trong cùng một khối lớp; đảm bảo tính giá trị; đảm bảo tính toàn diện.
Trong các yêu cầu trên, thầy Trần Văn Thành cho rằng, độ tin cậy và tính giá trị là hai yêu cầu quan trọng nhất của bài kiểm tra; có liên quan chặt chẽ với nhau.
Một bài kiểm tra có thể đáng tin cậy nhưng không có giá trị nếu không đánh giá đúng thực chất trình độ của học sinh.
Nếu một bài kiểm tra không có độ tin cậy thì cũng không có giá trị trong việc đánh giá học sinh. Độ tin cậy liên quan đến sự vững chắc, khách quan của kết quả đo được, còn tính giá trị liên quan tới mục tiêu của kết quả đó.
Chính vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và nhận thấy được tầm quan trọng của hoạt động này. Chỉ khi đó, việc kiểm tra, đánh giá mới có hiệu quả, đảm bảo nâng cao được chất lượng dạy học Địa lí ở trường THPT.
Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá
Việc đầu tiên trong biện pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá thầy Trần Văn Thành đề cập đến là việc lập kế hoạch.
Theo đó, căn cứ vào kế hoạch năm học của Sở GD&ĐT, kế hoạch năm học của nhà trường và phân phối chương trình, giáo viên nhóm Địa lí lập kế hoạch giảng dạy trong cả năm học, trong đó có kế hoạch kiểm tra, đánh giá.
Sau đó, duyệt kế hoạch dạy học và kiểm tra, đánh giá với tổ trưởng chuyên môn và Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhà trường; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm.
Biên soạn đề kiểm tra
Trong kiểm tra, đánh giá, việc biên soạn đề có vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định đến kết quả kiểm tra năng lực của học sinh. Quá trình soạn đề kiểm tra, theo thầy Thành, cần được thực hiện theo trình tự sau:
Xây dựng ma trận đề: Việc xây dựng ma trận trước khi làm đề sẽ giúp giáo viên tránh được tính chủ quan, cảm tính khi ra đề, đồng thời tránh được tình trạng đề ra quá khó hay quá dễ, không phản ánh đúng trình độ nhận thức của học sinh.
Ma trận đề sẽ giúp giáo viên định trước được các cấp độ nhận thức của học sinh đối với từng vấn đề địa lí, để từ đó phân phối dung lượng kiến thức và kĩ năng cần kiểm tra một cách phù hợp.
Đối với học sinh THPT, có thể đưa gọn lại thành 4 cấp độ nhận thức, đó là: Nhận biết; thông hiểu; vận dụng (cấp độ thấp); vận dụng (cấp độ cao).
Biên soạn đề kiểm tra theo ma trận: Môn Địa lí là môn khoa học đặc biệt, vừa là môn học tự nhiên, lại vừa là môn học xã hội. Điều đó cho thấy, khi tiến hành kiểm tra phải vừa yêu cầu học sinh thể hiện khả năng tính toán, tư duy tự nhiên, đồng thời lại phải yêu cầu về kĩ năng trình bày, lập luận qua cách viết.
Trước đây, đề kiểm tra môn Địa lí thường được ra ít câu hỏi, mỗi câu hỏi lại chỉ bao hàm một dung lượng kiến thức nhỏ, nhưng đòi hỏi học sinh phải hiểu thật sâu vấn đề, số điểm dành cho mỗi câu cũng lớn.
Việc ra đề như vậy không bao quát được kiến thức và chương trình học, yêu cầu cao về kĩ năng trình bày và cách viết. Do đó có những bài kiểm tra hầu hết học sinh đều đạt điểm thấp. Cũng chính cách ra đề như vậy dẫn đến tình trạng học tủ ở học sinh.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong môn Địa lí ở trường THPT đòi hỏi đề kiểm tra phải được ra dưới dạng nhiều câu hỏi nhỏ. Việc ra đề như vậy sẽ giúp bao quát được phần lớn kiến thức trong phạm vi đánh giá, nhất là những kiến thức trọng tâm.
Nhiều câu hỏi nhỏ giúp giáo viên vừa kiểm tra được mức độ ghi nhớ kiến thức của học sinh, vừa kiểm tra được kĩ năng xử lí thông tin, số liệu, vẽ biểu đồ ... đồng thời đánh giá được cả năng lực trình bày vấn đề, khả năng lập luận của học sinh. Đáp ứng được cả những yêu cầu về mặt tự nhiên và yêu cầu về mặt xã hội của bộ môn Địa lí.
Cùng một khối lớp, các giáo viên sẽ thống nhất biên soạn một đề kiểm tra chính thức duy nhất nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan giữa học sinh ở các lớp học. Tránh được tình trạng học sinh ở lớp do thầy A dạy thì được kiểm tra dễ trong khi học sinh ở lớp do thầy B dạy lại phải làm đề kiểm tra khó, yêu cầu cao hơn.
Xây dựng đáp án
Thầy Trần Văn Thành cho rằng, đáp án cần được xây dựng theo những nội dung kiến thức và kĩ năng cơ bản mà học sinh đã được học. Tuy nhiên không quá bó buộc vào những kiến thức được trình bày trong SGK, mà cần có những hướng mở nhằm phù hợp với khả năng tư duy và cách trình bày của học sinh. Qua đó sẽ giúp có được kết quả đánh giá chính xác đối với học sinh.
Tổ chức kiểm tra
Cũng giống như các môn học khác, trước đây giáo viên dạy Địa lí thường tự tiến hành kiểm tra theo phân phối chương trình, lớp nào có giờ trước thì kiểm tra trước, lớp nào có giờ sau thì kiểm tra sau, nhưng thường là vẫn sử dụng một đề kiểm tra duy nhất.
Việc kiểm tra như vậy khiến học sinh ở các lớp được kiểm tra sau có thể biết đề trước và đã có chuẩn bị. Như vậy kết quả kiểm tra không còn chính xác, khách quan, giáo viên sẽ không đạt được mục đích kiểm tra của mình ngoài mục đích duy nhất là lấy điểm cho đủ cơ số. Học sinh giữa các lớp sẽ không được đánh giá một cách công bằng, khách quan.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi học sinh phải được kiểm tra đồng thời. Phương pháp thực hiện tối ưu nhất là sắp xếp học sinh theo danh sách A, B, C ..., sau đó phân phòng thi theo danh sách. Cách làm này sẽ giúp có được kết quả đánh giá khách quan nhất vì học sinh không còn ngồi theo đơn vị lớp.
Tuy nhiên để thực hiện được việc kiểm tra chung đối với toàn khối lớp cần phải có sự đồng thuận từ phía Ban giám hiệu nhà trường cũng như những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất khác.
Tổ chức chấm và lên điểm
Trước đây, do giáo viên dạy lớp nào tự tiến hành kiểm tra đối với lớp đó nên cũng tự chấm và lên điểm, khó tránh khỏi cảm tính cá nhân.
Thầy Trần Văn Thành cho rằng, đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi bài làm của học sinh sau khi kiểm tra phải được rọc phách và giao cho giáo viên chấm. Sau đó, việc lên điểm sẽ được giao cho tổ nhập điểm.
Nhấn mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá là nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên nói chung và giáo viên dạy môn Địa lí nói riêng, theo thầy Trần Văn Thành, việc này, đòi hỏi phải được thực hiện một cách ngiêm túc, đồng bộ từ giáo viên giảng dạy đến nhóm chuyên môn, tổ chuyên môn và toàn thể hội đồng giáo dục nhà trường; được áp dụng đối với toàn thể học sinh trong trường.
Để đạt được kết quả tốt nhất khi đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo nhà trường và tổ chuyên môn, sự thống nhất giữa các giáo viên giảng dạy môn Địa lí. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi người giáo viên phải thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc và có năng lực chuyên môn tốt.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]